.

Người dân cần chủ động trong phòng ngừa bệnh sởi

.

ĐNĐT- Diễn biến bệnh sởi đang có xu hướng lan rộng khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hiểu hơn về tình hình bệnh sởi ở Đà Nẵng hiện nay, pv Báo Đà Nẵng điện tử đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc - xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, người dân cần chủ động trong việc tiêm vắcxin ngừa bệnh sởi
Theo Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, người dân cần chủ động trong việc tiêm vắcxin ngừa bệnh sởi

Pv: Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm phòng sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng nhưng Trung tâm luôn trong tình trạng hết Vắc-xin. Bác sĩ nói gì về điều này?

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm: Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vào này 24-29 hàng tháng, tại các trạm y tế phường, xã vẫn có tiêm phòng sởi miễn phí cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, gần tây, tỉ lệ tiêm chủng giảm đáng kể do nhiều phụ huynh lo lắng trước những thông tin về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin viêm gan B, Quinvaxem… nhiều phụ huynh đã bỏ qua mũi tiêm này tại các trạm y tế, tới khi bệnh sởi có xu hướng lan rộng mới vội vàng đưa con đi tiêm dịch vụ. Loại vắc-xin sởi được dùng để tiêm cho trẻ tại trung tâm chủ yếu là tam liên sởi - quai bị - rubella của Mỹ. Tuy nhiên, số lượng vắc-xin nhập về có hạn nên thường rơi vào tình trạng quá tải và hết vắc-xin sởi.

Từ ngày 25 đến ngày 29 - 4, Đà Nẵng có đợt tiêm bổ sung vắc-xin sởi tại 56 trạm y tế phường, và tại Trạm quân y xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) dành cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi. Đối với những trẻ từ 9-24 tháng chưa được tiêm mũi sởi nào thì sẽ được tiêm 1 mũi. Những trẻ từ 18-24 tháng nếu đã tiêm 1 mũi rồi thì sẽ tiêm mũi nhắc lại (mũi 2). Dự kiến sẽ tiêm cho khoảng 8.500 trẻ. 

Pv: Trong số trẻ nghi mắc bệnh sởi đang điều trị tại bệnh viện Phụ sản-nhi Đà Nẵng nhiều cháu dưới 9 tháng. Theo bác sĩ điều này có đáng lo ngại?

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm: Khi trẻ sinh ra đã có kháng thể của người mẹ truyền sang và giúp bảo vệ trẻ không mắc sởi. Tới 9 tháng, kháng thể của người mẹ trong cơ thể trẻ giảm bắt đầu giảm, trẻ cần được tiêm vắc-xin sởi. Với những trường hợp trẻ dưới 9 tháng mắc bệnh sởi có thể do bản thân người mẹ chưa mắc bệnh sởi bao giờ vì vậy không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang nên dễ bị mắc bệnh sởi.

Phụ huynh xếp hàng chờ tới lượt tiêm cho con (ảnh chụp sáng ngày 17-4-2014 tại Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng)
Phụ huynh xếp hàng chờ tới lượt tiêm cho con (ảnh chụp sáng ngày 17-4-2014 tại Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng)

Một nguyên nhân khác là do mẹ được tiêm vắc-xin từ trước đó rồi nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho con.  Do đó, với những bà mẹ có con nhỏ mà chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi khi thấy trẻ có những biểu hiện như sốt phát ban, viêm đường hô hấp, khó thở và một số biểu hiện khác như viêm loét giác mạc, tiêu chảy… thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, những chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng nên đi tiêm phòng Rubella-sởi-quai bị, cúm trước khi sinh con, trong khi mang thai thì nhớ đi tiêm phòng uốn ván.

Pv: Nhiều phụ huynh cũng muốn đưa con đi tiêm phòng tại các trạm y tế phường, nhưng họ lại chưa an tâm hoặc lo lắng khi tiêm vắc-xin sởi cho trẻ? Xin bác sĩ cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, bệnh sởi chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, nhưng thời gian gần đây, bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác. Tiêm vắc-xin sởi vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng tốt bệnh sởi, trẻ cần được tiêm đủ hai mũi, một mũi tiên khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi khi 9 tháng tuổi thì khả năng bảo vệ chỉ ở mức 80-85% nhưng khi trẻ được tiêm nhắc lại thì khả năng bảo vệ lên đến 90-95%. Vì vậy, các vị phụ huynh nên theo dõi lịch tiêm chủng mở rộng tại địa phương và chủ động cho trẻ đi tiêm phòng sởi đúng lịch tại các trạm y tế phường, xã.

Khi trẻ bị mắc bệnh sởi, nhất là từ khi phát ban người bệnh cần được cách ly ít nhất 7 ngày. Nên trang bị khẩu trang cho người người lớn và trẻ khi ra đường, tiếp xúc với các môi trường dễ lây bệnh như bệnh viện, trường học, nơi tập trung đông người. Hàng ngày phụ huynh nên làm vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để đường hô hấp của trẻ luôn sạch sẽ, khỏe mạnh.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, hiện Đà Nẵng có 34 ca xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, sau mấy ngày hết vắc-xin sởi-quai bị-rubella, sáng ngày 17-4-2014 số trẻ đến tiêm phòng vắc-xin sởi rất đông. Ngay trong buổi sáng Trung tâm y tế dự phòng đã tiến hành tiêm dịch vụ 150 liều vắc-xin, chủ yếu là vắc-xin sởi.

Thu Hà (thực hiện)

;
.
.
.
.
.