ĐNĐT- Trạm y tế (TYT) xã, phường là nơi triển khai các chương trình y tế quốc gia, là đơn vị y tế sát dân nhất, lẽ ra phải là nơi lựa chọn đầu tiên của người dân khi đến khám chữa bệnh, nhưng hiện nay, số người đến khám và điều trị tại các TYT rất ít, đặc biệt là các sản phụ hầu như không còn chọn sinh ở TYT.
Nhiều trạm y tế gần trung tâm chỉ nhận nhiệm vụ tư vấn, khám thai và thực hiện tiêm chủng cho bà mẹ và trẻ em |
Chọn nơi sinh an toàn
Mới sinh con ở Trung tâm y tế quận Sơn Trà, chị Quỳnh Phương (phường Phước Mỹ) cho biết “giờ hầu như không ai chọn sinh con ở TYT nữa vì mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, nên các bậc cha mẹ đều chọn sinh ở những bệnh viện lớn, có cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giỏi. Còn TYT cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật nghèo nàn, lại chỉ có nữ hộ sinh chứ không có bác sĩ. Nếu trong quá trình sinh nở có tai biến bất ngờ thì họ không xử lý được, lại chuyển mình lên bệnh viện nên đến luôn bệnh viện cho tiện.”
Cũng như chị Phương, nhiều sản phụ khác đều chọn những bệnh viện lớn làm nơi “khai hoa nở nhụy”. Người có điều kiện kinh tế khác thì đến Bệnh viện Phụ sản –Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Phụ nữ hoặc các bệnh viên tư nhân có uy tín. Người ít có điều kiện hơn thì đến các Trung tâm y tế tuyến quận để sinh con. Thực tế, việc tìm đến các cơ sở y tế có uy tín để sinh con là tâm lý chung của các gia đình khi chuẩn bị đón thêm thành viên mới.
Theo tìm hiểu được biết, ở nhiều bệnh viện trên địa bàn, nhất là các bệnh viên đa khoa tư nhân luôn có đầy đủ các dịch vụ: đẻ thường, đẻ không đau, đẻ mổ trọn gói và sản phụ có thể yêu cầu chọn bác sĩ, y tá đỡ đẻ cho mình, thậm chí chọn cả giờ sinh mổ. Các bác sĩ ở khoa sản các bệnh viện này hầu hết là những người có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm nên các sản phụ yên tâm.
Trao đổi với y sĩ Hoàng Thị Cẩm Tú (Trưởng TYT phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) được biết, những năm gần đây, theo chỉ đạo của Sở Y tế thành phố, một số TYT nằm gần các trung tâm y tế, các bệnh viện không đảm nhận chức năng sinh đẻ nữa. Các TYT ở các quận trung tâm đều gần bệnh viện nên người dân thường chọn sinh tại bệnh viện cho an toàn.
Khoảng gần chục năm trở lại đây, các TYT đều rất vắng người sinh. Từ nhu cầu thực tế đó, từ năm 2011, Sở Y tế đã chỉ đạo các TYT ở các quận trung tâm chỉ nhận nhiệm vụ tư vấn, khám thai, quản lý bà mẹ mang thai, thực hiện tiêm phòng cho bà mẹ và trẻ em. Chị Cẩm Tú cho biết thêm, nhiều trạm định kỳ hàng tháng các thai phụ vẫn đến TYT khám và theo dõi thai khá đông nhưng tới khi sinh thì các sản phụ đều sinh ở tuyến trên.
Được sinh nhưng vẫn vắng
Là TYT vẫn đảm nhận đỡ đẻ cho các ca sinh thường và được Sở Y tế trang bị cho các dụng cụ y tế phục vụ cho các ca sinh nở như máy thở ô xy, máy hút bình dãi cho trẻ, đồ đỡ đẻ vào năm 2013 nhưng TYT Hòa Phú, huyện Hòa Vang cũng rất ít sản phụ đến sinh. Bác sĩ Lê Lai, trưởng trạm cho biết, năm 2012, chỉ có 1 ca đến sinh thường ở trạm và cấp cứu cho 2 ca đẻ rơi ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) đưa xuống. Từ năm 2013 đến nay, trạm không tiếp nhận ca sinh nào. “Do đặc thù của xã có cả người dân tộc Cơtu nên nhiều người vẫn có thói quen sinh ở nhà, nên ngay cả việc khám thai, TYT cũng phải nhờ đến đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản đi đến từng nhà để tư vấn, động viên các thai phụ đi khám thai theo lịch. ” – Bác sĩ Lai cho biết thêm.
Y sĩ Bình, Trưởng trạm y tế phường An Khê đang tư vấn cho người đến khám bệnh. |
Không còn đảm nhận chức năng sinh đẻ từ năm 2006, nhưng ngoài chức năng khám chữa bệnh, TYT phường An Khê, quận Thanh Khê còn thực hiện rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Y sĩ Lê Thị Thanh Bình, trưởng trạm cho biết, TYT phường An Khê có gần 2.500 đầu thẻ bảo hiểm y tế, do đó hàng ngày cũng có người đến khám và lấy thuốc, nhất là những người lớn tuổi. Ngoài ra, trạm còn quản lý bệnh nhân lao, bệnh nhân tâm thần, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đình sản, đặt vòng, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, công tác phòng chống dịch… Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nên trạm chỉ khám những bệnh thông thường.
Bác sĩ Đặng Thế Nhị, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế cho biết, hiện Đà Nẵng có 21/56 TYT có bác sĩ, trong đó huyện Hòa Vang có 8 bác sĩ, Hải Châu 5 bác sĩ, Ngũ Hành Sơn 1 bác sĩ, Thanh Khê 1 bác sĩ; số còn lại ở các trạm thuộc các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ.
Thực tế tại các TYT, chuyên môn của bác sĩ, y sĩ cũng phải được thực hành mỗi ngày thì tay nghề mới lên; các phòng khám chữa bệnh cũng như phòng chuyên môn nếu không được sử dụng thường xuyên sẽ xuống cấp, máy móc, thuốc men nếu để lâu không đảm bảo thì cũng khó để cho các sản phụ đến sinh. Bác sĩ Nhị cũng cho biết thêm, 8 năm nay, chỉ có 1 bác sĩ về nhận công tác tại trạm y tế xã và 1 bác sĩ về Trung tâm truyền thông sức khỏe quận Hải Châu. Riêng 7 Trung tâm y tế quận, huyện, 8 năm qua chỉ có hơn 10 bác sĩ về nhận công tác. Do đó, hiện nay chỉ còn những xã, phường xa trung tâm vẫn còn giữ các phòng sinh. Còn lại chủ yếu làm các công tác khám, chữa các bệnh thông thường và quản lý thai phụ cũng như thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thu Hà - Quỳnh Trang