Công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố đang là nhiệm vụ trọng tâm của cả ngành y tế. Đặc biệt, việc ngăn chặn mầm bệnh ngay tại bệnh viện - nơi hiện được xem là vùng nhạy cảm của dịch sởi, được các cán bộ ngành y tế thực hiện riết ráo, nhất là khi thời điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến gần.
Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine sởi (ảnh chụp tại Trạm Y tế phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, ngày 25-4). |
Phân tuyến khám, điều trị
Từ đầu năm đến ngày 27-4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 175 ca sốt phát ban nghi sởi tại 47/56 xã, phường. Các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là 3 địa phương có số ca dương tính sởi nhiều nhất với 23 ca ở mỗi địa bàn.
Công tác phân tuyến khám, điều trị thu dung bệnh nhân sởi đang được triển khai đồng bộ tại tất cả 8 bệnh viện, 7 trung tâm y tế quận, huyện, kể cả các bệnh viện tư nhân đều vào cuộc. Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, việc làm này là cần thiết để tránh tình trạng bệnh nhân sởi chỉ tập trung tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi như với bệnh tay-chân-miệng ở những năm trước, dễ gây nên tình trạng quá tải.
Hiện tại, khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Phụ sản - Nhi có 87 ca mắc sởi đang được điều trị, đông nhất trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, trẻ rơi vào nhóm tuổi từ 9 tháng đến 3 tuổi chiếm đa số. Có 5 ca mắc sởi nặng phải nằm hồi sức cấp cứu, trong đó 2 trường hợp phải thở máy.
Tại khu tiếp nhận bệnh nhân của Bệnh viện Phụ sản - Nhi những ngày này luôn có 3 nhân viên túc trực liên tục. Ngay khi trẻ vào viện, nhân viên sẽ hỏi các dấu hiệu nhận biết sởi như: sốt, ho, đỏ mắt hoặc kèm phát ban. Nếu trẻ có các dấu hiệu này sẽ không phải qua các khâu trung gian mà được ưu tiên đến thẳng phòng khám của khoa Y học nhiệt đới để chẩn đoán bệnh. Với công tác phân tuyến tại khu khám bệnh sẽ cách ly ngay từ đầu bệnh nhân nghi sởi, hạn chế một phần của lây lan. “Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh mà ngồi đợi ở khu khám nữa thì rất nguy. Chỉ cần nói hay ho, hắt hơi nhẹ cũng đủ lây lan cho rất nhiều người”, bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi nói.
Tuy vậy, với những trẻ chưa có dấu hiệu để khẳng định mắc sởi, tùy tình hình bệnh, có thể điều trị tại các Trung tâm y tế quận hoặc tại nhà. “Bệnh nhân nhập viện không phải mắc sởi nhưng khi ra viện thì nguy cơ mắc sởi là rất cao bởi tốc độ lây lan, truyền nhiễm của bệnh lên tới 90%”, bác sĩ Nguyễn Canh Cảnh - Trưởng khoa Y học nhiệt đới nói.
Trở ngại khi cách ly người bệnh
Khoa Y học nhiệt đới dành một khu lây với 90 giường để thu dung bệnh nhân sởi. Khu được đặt ở một tòa nhà riêng, tách hẳn với cụm bệnh viện. Đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự phân tán mầm bệnh. Trước đây, bệnh nhân muốn xét nghiệm máu, truyền máu hoặc chụp XQ phải đến từng phân khu riêng biệt. Nay tất cả phương pháp điều trị đều được thực hiện ngay tại giường bệnh nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân ra khỏi khu lây.
Trong thời gian này, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng tăng cường nhân lực, bảo đảm luôn có y, bác sĩ túc trực 24/24 giờ. Vấn đề vệ sinh cá nhân, ăn uống của trẻ cũng có 2-3 nhân viên cùng hỗ trợ bất cứ khi nào người nhà cần.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm chính là việc người nhà bệnh nhân ra khỏi khu lây, đi xung quanh trong bệnh viện dù đã được y, bác sĩ thường xuyên khuyến cáo. Bác sĩ Cảnh nói: “Chúng tôi chỉ biết khuyên người nhà bệnh nhân hạn chế tối đa việc đi lại trong khuôn viên bệnh viện thôi chứ không thể cấm được. Cấm thì bị dọa đánh, bị dọa điện đường dây nóng. Nhiều người nhà vẫn không ý thức được mức độ lây lan của sởi. Vì vậy, trong thời gian gần đây, bệnh nhi xuống vui chơi ở khu vui chơi hay sảnh bệnh viện ít đi hẳn”.
Bảo đảm cung ứng đủ cơ số thuốc
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang cận kề. Nhiều bác sĩ tỏ ra lo ngại bởi sẽ có rất nhiều gia đình đưa trẻ đi các địa phương khác để nghỉ lễ, kéo theo nguy cơ nhiễm sởi cũng khá cao, nhất là các vùng tâm điểm về sởi. Đồng thời, do Đà Nẵng là thành phố biển nên lượng khách du lịch cũng sẽ đổ về trong dịp lễ rất lớn.
Trước tình hình này, ngành y tế thành phố đã khẩn trương tiến hành tất cả mọi công tác ứng phó trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Chiều 28-4, Sở Y tế có công văn gửi tới tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trên toàn địa bàn về việc tích cực tăng cường công tác phòng chống sởi. Dịp này, Sở Y tế đã vận động từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cấp cho mỗi bệnh viện/trung tâm y tế 100 viên vitamin A liều cao từ 100.000 - 200.000 đơn vị. Các loại thuốc men khác như dịch chuyền Humaglobulin, kháng sinh tốt, dung dịch Hemosol lọc máu và các trang thiết bị y tế đều đã có sẵn để phục vụ tốt cho việc điều trị.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến khuyến cáo: “Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, đỏ mắt, phát ban cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Hôm nay (29-4) cũng là ngày cuối cùng của chiến dịch tiêm vét vaccine mở rộng. Các trẻ chưa được tiêm thì các phụ huynh nên lập tức dẫn con đi tiêm. Ngoài ra, phụ huynh và trẻ cũng nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi đông người”.
Bài và ảnh: BÌNH AN