Một số phụ huynh thắc mắc: Nếu đã mắc sởi, lại tiêm thêm vắc-xin có sao không? Câu trả lời là rất an toàn, không sao cả, xem như chúng ta tiêm thêm một mũi tiêm “nhắc lại”. Do đó, khi chưa chắc chắn đứa trẻ đã mắc sởi, chưa có chẩn đoán huyết thanh dương tính, tốt nhất nên đi chích ngừa sởi để chắc chắn có miễn dịch 100%.
Bệnh sởi là bệnh sốt phát ban do vi-rút sởi gây ra. Vi-rút sởi thuộc loại RNA, chi Morbilivirus, họ Paramyxoviridae, sinh sôi ở mũi họng khí phế quản… của bệnh nhân. Vi-rút sởi lây lan rất nhanh theo đường hô hấp. Bệnh nhân sởi có khả năng lây lan bệnh 4-5 ngày trước khi bị phát ban đỏ trên da. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, cười, nói chuyện, trong hơi thở bắn ra vô vàn bụi nước li ti có chứa rất nhiều vi-rút sởi tung vào không khí hoặc rơi vãi trên vật dụng sinh hoạt hằng ngày như mặt bàn, ghế, sách vở, điện thoại... Hít thở, dính phải những hạt bụi nước đầy vi-rút này trẻ sẽ nhanh chóng bị lây nhiễm bệnh. Thống kê y học cho thấy đến 90% trẻ tiếp xúc sẽ bị lây sởi nếu chưa được chích ngừa vắc-xin sởi.
Tiêm phòng sởi rất hiệu quả
Sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể con người sẽ có miễn dịch: Hệ thống miễn dịch các tế bào lympho T, lympho B sẽ “nhận biết” mầm bệnh và sinh tổng hợp các kháng thể để chống lại nếu vi-rút sởi xâm nhập lần sau. Để đánh giá thời gian khả năng miễn dịch phòng bệnh của cơ thể, y học phân ra hai loại miễn dịch là tạm thời (tức có thời hạn) và vĩnh viễn (lâu dài). Miễn dịch với bệnh sởi là miễn dịch lâu dài, nghĩa là con người chỉ mắc sởi một lần duy nhất trong đời. Do đó, bệnh sởi gần như chủ yếu gây bệnh ở trẻ em.
Về lý thuyết, miễn dịch với bệnh sởi là loại miễn dịch lâu dài, nên trước đây chỉ cần tiêm chủng vắc-xin sởi một lần lúc trẻ được 9 tháng tuổi là đủ, với điều kiện vắc-xin phải tốt và kỹ thuật tiêm phải chuẩn. Tuy vắc-xin sởi là một trong các vắc-xin có hiệu quả cao, nhưng thực tế chỉ 76% số trẻ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi được “miễn dịch”. Để bảo vệ 24% số trẻ còn lại, hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm chủng thêm mũi vắc-xin sởi lần 2 lúc 18 tháng tuổi trở lên.
Một số phụ huynh thắc mắc: Nếu đã mắc sởi, lại tiêm thêm vắc-xin có sao không? Câu trả lời là rất an toàn, không sao cả, xem như chúng ta tiêm thêm một mũi tiêm “nhắc lại”. Do đó, khi chưa chắc chắn đứa trẻ đã mắc sởi, chưa có chẩn đoán huyết thanh dương tính, tốt nhất nên đi chích ngừa sởi để chắc chắn có miễn dịch 100%.
Phòng sởi tốt, hiệu quả hơn chữa bệnh
Bệnh sởi có rất nhiều biến chứng, có những trường hợp nặng gây tử vong: (1) Biến chứng đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi; (2) Biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tủy; (3) Biến chứng đường tiêu hóa như viêm niêm mạc miệng, viêm loét miệng (cam tấu mã), viêm ruột; (4) Biến chứng tai mũi họng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm và (5) Biến chứng do suy giảm miễn dịch.
Điều trị các biến chứng này thường rất tốn kém và nếu lành bệnh cũng có thể để lại các di chứng nguy hiểm như bại não, suy dinh dưỡng… Cho nên phòng bệnh bằng cách tiêm chủng vắc-xin là hiệu quả, khoa học và kinh tế hơn.
Lưu ý sởi Đức (rubella)
Có một loại sởi đặc biệt, sởi Đức (German measles) hay bệnh bubella, gặp ở người lớn lẫn trẻ em.
Rubella tuy không lây nhiễm nhanh, cấp tính và không gây nên biến chứng nguy hiểm như bệnh sởi, nhưng rất nghiêm trọng cho phụ nữ có thai vì để lại những dị tật bẩm sinh nặng nề. Thai phụ mắc bệnh rubella, đặc biệt trong giai đoạn phôi, tức 3 tháng đầu của thai kỳ, sẽ dễ bị những tai biến như sẩy thai, thai chết trong tử cung hoặc gây nên những dị dạng cho thai nhi sau khi sinh như: các khuyết tật về tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ...
May mắn là chúng ta cũng đã có vắc-xin phòng bệnh rubella ác hiểm này. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, có ý định sinh con nên tiêm chủng vắc-xin ngừa rubella.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã triển khai tiêm chủng (vắc-xin) cho hơn 30 loại bệnh (viêm gan A, viêm gan B, thủy đậu, uốn ván, lao, sởi, quai bị, rubella, dại...). Để được tư vấn lịch tiêm chủng, vui lòng liên hệ: 05113.650.305 - 0169.616.71.72 |
TS, BS TRẦN BÁ THOẠI