Ngày 24-4, 3 phường trên địa bàn quận Hải Châu (Hải Châu 2, Bình Hiên và Bình Thuận) tiến hành tiêm vét vaccine trước so với thời điểm dự kiến của Sở Y tế (ngày 25 đến ngày 29-4). Theo ghi nhận tại các phường, không khí tiêm chủng “nóng” từ sáng sớm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phải đưa con về vì trẻ không đủ điều kiện bảo đảm để tiêm.
Trẻ được tiêm vét vaccine sởi tại Trạm y tế phường Hải Châu 2, quận Hải Châu (ảnh chụp chiều 24-4) |
Theo kế hoạch của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, đợt tiêm vét vaccine sởi mở rộng lần này kéo dài từ ngày 25-4 đến 29-4 tại 56 trạm y tế xã, phường trên toàn địa bàn thành phố và một trạm quân dân y xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Song, tùy theo điều kiện của từng phường để có kế hoạch tiêm phòng hợp lý.
Phụ huynh hoang mang
Ngày 24-4, do số lượng trẻ tại các phường Hải Châu 2, Bình Hiên và Bình Thuận khá đông, mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ. Hơn nữa, từ ngày 26 đến 27-4 lại trùng với lịch tiêm chủng mở rộng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, nên các phường chủ động tổ chức tiêm sớm để giãn thời gian tiêm, tránh dồn dập với sự theo dõi, kiểm tra của cán bộ y tế. Tuy nhiên, các phường ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ không đủ điều kiện bảo đảm để tiêm, chủ yếu do sốt cao, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Bởi theo quy định của Bộ Y tế, trẻ chỉ được tiêm khi sốt không quá 37,5 độ C, hoặc hạ thân nhiệt nhỏ hơn hoặc bằng 35,5 độ C. Nguyên nhân do đang bước vào thời điểm nắng nóng, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.
Tại Trạm y tế phường Bình Hiên, tính đến 10 giờ ngày 24-4, tổng cộng 30 trẻ đến tiêm vaccine sởi. Trong số đó chỉ có 12 trẻ được chỉ định tiêm, 18 trẻ còn lại không đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm nên phải dời lịch tiêm vào trước ngày 29-4 hoặc tháng sau. Cụ thể, có 6 trẻ đã tiêm vaccine sởi dịch vụ, 12 trẻ đang sốt cao hơn 37,5 độ C, đi cầu lỏng liên tục hoặc đang uống thuốc kháng sinh. Chị T. (30 tuổi, ở phường Bình Hiên) có con đang sốt lo lắng nói: “Mấy hôm nay trời nóng quá, đêm không mở quạt thì cháu không ngủ được nên cháu sốt từ 2-3 hôm nay. Bác sĩ khám sàng lọc thấy cháu sốt 37,8 độ C nên khuyên tôi đưa cháu về, đợt sau tiêm bổ sung. Giờ đi đâu, làm gì cũng nghe người ta nói về sởi mà con mình lại thế này, tôi lo quá!”.
Tại Trạm y tế phường Bình Thuận, theo lịch 8 giờ bắt đầu tiêm chủng, nhưng ngay từ sáng sớm, phụ huynh đã tập trung khá đông. Đợt này, phường Bình Thuận dự kiến có tổng cộng 161 trẻ được tiêm. Trong đó, 95 trẻ (9-24 tháng tuổi) tiêm mũi 1; 66 trẻ (18-24 tháng tuổi) tiêm mũi 2. Sáng 24-4, có 54 trẻ đến tiêm nhưng chỉ 45 trẻ đủ điều kiện để tiêm, 9 trường hợp còn lại do trẻ đang ho, sốt cao, viêm đường tiêu hóa khiến trẻ nôn, đi ngoài liên tục nên không được tiêm.
Trạm y tế phường Hải Châu 2 cũng trong tình trạng tương tự với hơn 50 trẻ đã được tiêm và 11 trẻ không được tiêm. Trong đó có trường hợp của con chị Trịnh Thị Thu Thanh (26 tuổi, ở tổ 31, phường Hải Châu 2). Dù đã được bác sĩ tư vấn nhưng chị vẫn đứng ngồi không yên. Chị Thanh cho hay: “Cháu 20 tháng tuổi, mấy hôm nay nổi sảy khắp người nên tôi cho cháu uống thuốc. Nghe bác sĩ tư vấn nên cho con tiêm vào tháng sau nhưng tôi vẫn rất lo. Cháu vốn yếu, dù Đà Nẵng không phải là địa phương “nóng” của dịch sởi nhưng không thể không lo”.
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình tiêm chủng tại các điểm trên cho biết: “Qua khảo sát, kiểm tra trong sáng nay, nhìn chung các nơi đều thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng như khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm và tư vấn cho người nhà theo dõi trẻ trong vòng 24 giờ nếu có biểu hiện gì bất thường phải đến ngay cơ sở y tế để kịp thời kiểm tra. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay có khá nhiều trẻ mắc bệnh nên không được tiêm vét vaccine sởi”.
Riết ráo vào cuộc
Chiều 24-4, Sở Y tế thành phố tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống và điều trị sởi cho hơn 50 y, bác sĩ thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trên toàn địa bàn thành phố. Hội nghị công bố tình hình dịch sởi trên cả nước và tại Đà Nẵng. Các đại biểu cùng nhau trao đổi các giải pháp tăng cường công tác điều trị bệnh sởi, cập nhập hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, chia sẻ kinh nghiệm khám, sàng lọc, phân luồng, chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm bệnh sởi tại các cơ sở điều trị.
Đặc biệt, làm thế nào để tránh lây chéo tại bệnh viện được các chuyên gia y tế rất lưu ý bởi hiện nay đã có một trường hợp bị lây chéo sởi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế, khuyến cáo người dân phải thật bình tĩnh trước dịch sởi. “Với những trường hợp mắc sởi nhẹ hoặc chưa có dấu hiệu nào để khẳng định là sởi, phụ huynh nên để con em mình điều trị tại các trung tâm y tế quận, huyện. Nếu bác sĩ cho phép thì có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Có một thực tế, tại các bệnh viện lớn, nhất là Bệnh viện Phụ sản - Nhi được xem là vùng nhạy cảm về sởi, nguy cơ lây lan giữa các bệnh nhân rất cao, đến 90%”. Trong thời điểm này, các phụ huynh cần lưu ý vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng. Trong đó, tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ và rửa tay bằng xà phòng là biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh tối ưu nhất.
Về công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vét vaccine sởi từ ngày 25-4 đến ngày 29-4, ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, tất cả các trạm y tế xã, phường đã sẵn sàng công tác tiêm chủng vào ngày mai và bảo đảm cung ứng đủ số lượng vaccine theo nhu cầu.
Bài và ảnh: BÌNH AN