Năm 1948, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức hội nghị, qua đó quyết định từ năm 1950 trở đi sẽ lấy ngày 7-4 hằng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day) để kỷ niệm việc thành lập WHO và để hướng toàn thế giới quan tâm đến sức khỏe theo một chủ đề nhất định được chọn làm trọng điểm cho cả năm.
Các chủ đề đã chọn thực hiện:
Năm 1995: Loại trừ bệnh Bại liệt toàn cầu. 1996: Thành phố khỏe cho cuộc sống tốt hơn. 1997: Các bệnh truyền nhiễm mới. 1998: Bà mẹ an toàn. 1999: Tuổi già tích cực. 2000: Truyền máu an toàn. 2011: Kháng khuẩn: Không hành động hôm nay, không thuốc trị ngày mai. 2012: Sức khỏe tốt kéo dài tuổi thọ. 2013: Nhịp tim khỏe mạnh; Huyết áp khỏe mạnh.
Chủ đề sức khỏe 2014 là Tự phòng tránh các bệnh do vec-tơ lây truyền (Protect yourself from vector-borne diseases) với thông điệp, khẩu hiệu WHO đã đưa ra cho ngày Sức khỏe thế giới năm nay là “Vết cắn nhỏ: Đe dọa lớn” (Small bite: Big threat).
Vết cắn nhỏ: Đe dọa lớn
Các vec-tơ truyền bệnh là những côn trùng, ký sinh trùng. Trong quá trình ký sinh trên cơ thể người hoặc động vật, cũng là lúc chúng lan truyền, phát tán nhiều căn bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể làm chết người “hàng loạt” như trong các đợt dịch bệnh. Năm vec-tơ truyền bệnh phổ biến giúp lan truyền nhiều mầm bệnh, vi trùng, ký sinh trùng, vi-rút... cho người và động vật được định danh là: muỗi, ruồi, rệp, ve bét và ốc sên.
(1) Muỗi là vec-tơ trung gian truyền bệnh sốt rét, bệnh Dengue cổ điển, sốt Dengue xuất huyết, sốt Tây sông Nile, sốt vàng, viêm não Nhật Bản, bệnh phù voi do giun chỉ.
(2) Ruồi là vec-tơ trung gian truyền khá nhiều bệnh đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ trực trùng, lỵ amíp, thương hàn, ỉa chảy vi-rút... ruồi tse-tse là vec-tơ lây truyền Trypanosoma, gây bệnh ngủ châu Phi.
(3) Con mò (mạt) truyền Ricketsia gây sốt mò.
(4) Bọ chét lây truyền bệnh dịch hạch .
(5) Chấy rận lây truyền nhiều bệnh ngoài da….
Thống kê khoa học cho thấy, gần một nửa dân số thế giới bị nhiễm các bệnh do vec-tơ trung gian lây truyền. Một đặc điểm nữa, các bệnh lây truyền qua vec-tơ trung gian này thường dễ tái phát và khiến nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng: Số bệnh sốt Dengue mỗi năm ước tính khoảng 50 triệu người, hiện dịch bệnh xuất hiện ở hơn 100 quốc gia. Số người mắc bệnh xoắn khuẩn Leptospira mới 600.000 người/năm trên toàn cầu. Có từ 350 - 500 triệu ca sốt rét mỗi năm. Số ca mắc bênh Lyme ở Mỹ cũng tăng đều hằng năm.
Ngoài tỷ lệ mắc bệnh còn cao, kéo theo gánh nặng tài chính về chi phí điều trị, một số bệnh nhiễm do vec-tơ trung gian này có tỷ lệ tử vong còn cao như dịch hạch, hoặc để lại nhiều di chứng như viêm não Nhật Bản, sốt vàng…
Nguy hiểm chết người, phòng ngừa đơn giản!
Sốt xuất huyết do vec-tơ trung gian là muỗi vằn Aedes: bệnh có cao điểm bùng phát dịch thường từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm. Tuy tỷ lệ tử vong chung chỉ vào khoảng 2,5% và nếu điều trị tích cực thì chỉ còn dưới 1%, nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất lớn: 32,5 ca/100.000 dân (năm 2000); 120 ca/100.000 dân (năm 2009) và 78 ca/100.000 dân (năm 2011)... cho nên rất tốn kém trong điều trị. Ngược với mức độ tác hại, biện pháp để phòng ngừa sốt xuất huyết lại quá đơn giản và hầu như người dân nào cũng biết là nằm màn và diệt muỗi.
Viêm não Nhật Bản, vec-tơ truyền bệnh là muỗi Culex, là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao từ 10 - 20%, nếu sống sót thì hơn 50% bệnh nhân sẽ mang di chứng thần kinh nặng nề như động kinh, bại não, đần độn, liệt, thất ngôn… người bệnh thường tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên cách phòng viêm não cũng đơn giản: nằm màn, diệt muỗi và tiêm vắc-xin ngừa viêm não. Theo đánh giá của y tế, tác dụng phòng vệ của vắc-xin rất cao, gần như tuyệt đối 100%. Vắc-xin viêm não Nhật Bản được bắt đầu tiêm khi trẻ lên 1 tuổi. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm.
Tóm lại, những bệnh do vec-tơ (ruồi, muỗi…) trung gian truyền có mức độ lây lan rất rộng trong cộng đồng, điều trị rất tốn kém, nhưng nếu hiểu biết và phòng vệ tốt khả năng tránh bệnh là rất cao. Đó là mục tiêu, chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới năm nay.