.

Cảnh giác dịch bệnh mùa hè

.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tay-chân-miệng (TCM) đã xuất hiện tại 62 địa phương trên cả nước. Tại Đà Nẵng, mỗi ngày vẫn ghi nhận thêm 6-8 ca sốt phát ban nghi sởi, trong khi tình hình bệnh TCM, sốt xuất huyết (SXH) hiện vẫn luôn ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày.

Từ đầu giờ chiều đã có rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine “3 trong 1” tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. (ảnh chụp chiều 9-5).
Từ đầu giờ chiều đã có rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine “3 trong 1” tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. (ảnh chụp chiều 9-5).

TCM, SXH xuất hiện quanh năm

Thông tin từ Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm nay, các loại bệnh TCM, SXH đã xuất hiện tại khắp 7 quận, huyện trên địa bàn. Ở thời điểm nhạy cảm này, nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn nếu ngành y tế và người dân không cùng vào cuộc để khống chế dịch bệnh.

Ngày 8-5, Sở Y tế thành phố đã có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh về việc phòng, chống bệnh TCM, sốt xuất huyết. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 8-5, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc TCM tại 62 tỉnh, thành phố, 2 trường hợp tử vong; 7.931 trường hợp mắc SXH, 4 trường hợp tử vong. Tuy số mắc ở mức thấp hơn so với năm 2013, nhưng tại một số tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao và có nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Tại Đà Nẵng, tính đến ngày 4-5, toàn thành phố ghi nhận 294 trường hợp mắc TCM, giảm 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái, không có trường hợp tử vong; 128 trường hợp mắc SXH, giảm 79,6% so với cùng kỳ năm ngoái, không có trường hợp tử vong.

Sởi vẫn chưa giảm

Tuy Đà Nẵng không phải là địa phương “nóng” về dịch sởi như ở các tỉnh, thành phố khác nhưng đến thời điểm hiện tại, tình hình bệnh sởi trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Mỗi ngày ghi nhận trung bình 6-8 trường hợp sốt phát ban nghi sởi mới, cao điểm nhất là ngày 10-5 với 15 trường hợp, ngày 5-5 có 13 trường hợp.

Tính đến ngày 10-5, toàn thành phố ghi nhận 321 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 55/56 xã, phường. Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay có thêm 67 trường hợp. Ngày 6-5, có 284 ca sốt phát ban nghi sởi, ngày 8-5 có 297 ca và đến ngày 10-5 là 321 trường hợp. Trong tháng 4 - tháng được xem là “nóng” nhất về sởi của ngành y tế Đà Nẵng, toàn tháng ghi nhận 232 ca sốt phát ban nghi sởi, 44 ca dương tính với sởi. Quận Hải Châu và quận Thanh Khê vẫn là hai địa phương có số ca sốt phát ban nghi sởi nhiều nhất trên toàn thành phố từ đầu mùa dịch đến nay. Bệnh viện Phụ sản-Nhi hiện có 100 ca đang điều trị nội trú, trong đó có 8 trường hợp phải thở oxy, 1 trường hợp thở CPAP.

Bác sĩ Nguyễn Công Cảnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, cho biết: “Khi dịch sởi bùng phát từ đầu tháng 2 đến nay, tỷ lệ khám và thu dung điều trị tại khoa Y học nhiệt đới một ngày khám khoảng 40 - 50 bệnh nhân, cho nhập viện khoảng 10-25 bệnh nhân. Riêng thu dung hằng ngày tại khoa Y học nhiệt đới dao động từ 80 - 100 bệnh nhân. 70 - 80% bệnh nhân có biến chứng phổ biến là viêm phổi, một trường hợp viêm não và viêm tai giữa”.

Thêm 3.000 liều vaccine “3 trong 1”

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên toàn thành phố trong chiến dịch tiêm vét vaccine sởi kéo dài từ ngày 25-4 đến 29-4 vừa qua đạt 85%. Trong đó, mũi 1 (9-18 tháng tuổi) đạt tỷ lệ 91,29%, mũi 2 (18-24 tháng tuổi) đạt tỷ lệ 86,6%. Khi chiến dịch diễn ra, có khá nhiều trẻ phải hoãn tiêm do không đủ điều kiện bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế nên khiến phụ huynh rất lo lắng.

Chiều 9-5, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thông báo đã về thêm 3.000 liều vaccine sởi - quai bị - rubella (hay còn gọi là vaccine “3 trong 1”). Ngay từ 13 giờ 30 ngày 9-5, hàng chục phụ huynh bồng con ngồi đợi đến lượt tiêm vaccine này. Chị T.T.T.N (29 tuổi, tổ 52, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) có con trai 2 tuổi chưa được tiêm mũi 2 vaccine sởi chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng điện đến Trung tâm Y tế dự phòng hỏi xem có vaccine chưa. Nghe nói chiều nay có, dù ở tận Hòa Khánh nhưng tôi vẫn cố bồng con đi sớm vì sợ hết vaccine như những lần trước”. Chị N. cho biết thêm, ngày 27-4 và 28-4, chị đều đưa con tới Trạm y tế phường để tiêm vét vaccine sởi nhưng đều được thông báo vaccine chưa về kịp.

Qua chiến dịch tiêm vét vaccine sởi, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm, bảo vệ sức khỏe con cái bằng cách tiêm chủng  - “lá chắn” tốt nhất bảo vệ sức khỏe cho con người. Đến nhiều trạm y tế, chúng tôi chứng kiến sự ngơ ngác của các ông bố, bà mẹ khi được hỏi con đã được tiêm những loại vaccine nào. Thậm chí, các ông bố, bà mẹ còn hỏi: “Cháu 24 tháng, vậy khi nào được tiêm vaccine sởi?”, mặc dù các thông tin về tiêm chủng đều được các trạm y tế niêm yết ngay từ cổng ra vào và ở tất cả các phòng khám.

Về tình hình sởi trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng), nhận định: “Tình hình dịch sởi tại Đà Nẵng không tập trung và không bùng phát thành những ổ dịch lớn. Hiện chưa ghi nhận các ổ dịch tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non. Tuy trong tầm kiểm soát nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa thực sự suy giảm. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh thân thể, tăng cường dinh dưỡng cho các cháu phải luôn được các phụ huynh quan tâm hàng đầu”.

Bài và ảnh: BÌNH AN
 

;
.
.
.
.
.