Bàn tay là ổ vi khuẩn nguy hại khổng lồ và là một trong những “cầu nối” chính dẫn đến lây chéo hay bùng phát dịch bệnh. “Trong thời điểm đối mặt với các bệnh truyền nhiễm như sởi, tay - chân - miệng v.v…, rửa tay là điều rất quan trọng để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch”, bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nói.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thực hành rửa tay (ảnh chụp chiều 5-5). |
Rửa tay đúng cách và đúng thời điểm có thể làm giảm đến 50% số ca nhiễm khuẩn bệnh viện.
Dập dịch từ đôi bàn tay
Lây chéo hiện là nỗi ám ảnh của toàn xã hội khi ở một số bệnh viện lớn đã xuất hiện tình trạng này, dẫn đến trẻ tử vong trong mùa dịch tăng cao. Một tài liệu nghiên cứu từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho thấy, mỗi bàn tay của nhân viên điều dưỡng có thể chứa 38.000 vi khuẩn. Ngón tay của người làm y tế là nguyên nhân truyền nhiễm cao nhất trong bệnh viện. Điều này giải thích vì sao rửa tay được xem là “liều vaccine” phòng lây chéo trong bệnh viện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay sạch làm giảm tới 35% nguy cơ gây tử vong cho hàng triệu người trên toàn cầu. Với cơ sở y tế chuyên điều trị cho trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, yếu tố “bàn tay sạch” được xem là điều cốt yếu quyết định sự thành công trong điều trị.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, phụ trách điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, hiện bệnh viện trang bị hơn 600 bình xịt rửa tay nhanh (chưa kể các bồn và điểm rửa tay). Ngay ở bàn tư vấn, hướng dẫn bệnh đến nơi bấm số thứ tự và vào các phòng khám, khu điều trị đều có loại nước rửa tay này để cán bộ y tế và người nhà, bệnh nhân sử dụng bất cứ lúc nào.
Để siết chặt việc tuân thủ quy trình rửa tay đúng thời điểm của cán bộ y tế, hằng ngày bệnh viện thực hiện giám sát thói quen rửa tay thông qua phiếu điều tra. Cụ thể, các cán bộ, nhân viên được theo dõi có hay không việc rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh, khi thực hiện thao tác tẩy, rửa vô trùng, sau khi tiếp xúc chất dịch cơ thể, sau khi tiếp xúc người bệnh và sau khi tiếp xúc với đồ vật xung quanh người bệnh. Bên cạnh đó, mỗi quý, bệnh viện tiến hành kiểm tra vi sinh vật trên bàn tay của bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng nhằm đánh giá tay có được rửa sạch hay chưa, số lượng vi khuẩn còn bám trên tay, nếu còn thì đó là vi khuẩn gì.
Việc quan trọng nhất và rẻ tiền nhất
Theo bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, rửa tay là việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm. Ghi nhận trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay có hơn 250 ca sốt phát ban nghi sởi, hơn 1.000 ca thủy đậu, gần 300 ca tay - chân - miệng. Cùng với các biện pháp phòng dịch khác, rửa tay được các chuyên gia y tế nhận định là cách đơn giản nhất, rẻ tiền nhất nhưng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời ngăn ngừa dịch bùng phát.
Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là bồn rửa tay cho bệnh nhân và người nhà chăm bệnh tại bệnh viện nhiều chỗ có cũng như không vì tắc nghẽn và xuống cấp. Lý do theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi là bệnh nhân hoặc người nhà thường đổ thức ăn xuống bồn rửa tay, trong khi những nơi này có đặt sẵn thùng chứa thức ăn thừa và rác thải. Theo bác sĩ Huỳnh Thị Bích Ngọc - Phòng Tổng hợp, bệnh viện đã có kế hoạch sửa chữa và trang bị mới toàn bộ hệ thống bồn rửa tay từ nguồn hỗ trợ của một tổ chức quốc tế.
Bài và ảnh: THU HOA