.

Nâng cao nhận thức về công tác dân số

.

Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đó là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố Đà Nẵng giao cho ngành y tế năm 2014.

Diễu hành tuyên truyền việc không nên lựa chọn giới tính thai nhi.
Diễu hành tuyên truyền việc không nên lựa chọn giới tính thai nhi.

Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn có xu hướng tăng và tăng mạnh. Tỷ số này đã cao tới mức nghiêm trọng với 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Dự báo nước ta sẽ dư thừa khoảng 2,3 -4,5 triệu nam giới trong tương lai, nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh  thì tỷ số chênh lệch giới tính có thể tiếp tục tăng lên. Tình trạng này sẽ dẫn đến những vấn đề rất khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.

Mất cân bằng giới tính khi sinh có nguyên nhân cơ bản do sự yêu thích con trai và có cơ hội tiếp cận để thực hiện nguyện vọng đó. Có người đã lợi dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi và sẽ loại bỏ nếu biết đó là thai nhi gái. Điều đáng nói ở đây là dù việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị nghiêm cấm nhưng vẫn có hơn 90% số phụ nữ mang thai biết được giới tính của con mình trước khi sinh. Nhiều người làm dịch vụ sẵn sàng “lách luật” như việc dùng “từ lóng”: “thai nhi này giống mẹ”, “khá đẹp trai”, “dịu dàng” để thông báo về giới tính của thai nhi.

Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành một vấn đề nóng nhất, khó nhất đối với công tác dân số. TS Christophe Guilmoto, chuyên gia quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh của UNFPA đánh giá: Dù mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn hơn, nhưng so sánh với Nhật Bản, Thái Lan, Philippines thì tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng, trong khi các nước này không tăng. TS Guilmoto cũng cho rằng, tỷ lệ sinh ngày càng giảm, quy mô gia đình ngày càng nhỏ thì nhu cầu mong muốn có con trai càng tăng: “Vấn đề đặt ra là các gia đình hiện nay có ít con, song nhất định phải là con trai. Đây chính là kẽ hở cho công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi phát triển”.

Giải pháp tốt nhất để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là tuyên truyền vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi, đồng thời phải có chính sách ưu tiên nữ. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết về mặt chính trị phải được đặt lên hàng đầu, một mình ngành y tế, dân số không thể đạt được sự thành công trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự quan tâm của toàn xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định số 176 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

Để làm giảm nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng đến công nhân, phụ nữ, thanh niên; phối hợp với Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự tuyên truyền hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.

Biên soạn, in và cấp phát hàng nghìn tờ rơi, sách mỏng và panô nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả truyền thông. Đặc biệt, tổ chức các đợt thanh kiểm tra về việc chẩn đoán thai nhi tại cơ sở siêu âm công lập và ngoài công lập… Song, để xử lý triệt để hiện tượng này là điều rất khó khăn, bởi không một ai tiết lộ một cách trực tiếp về giới tính thai nhi mà họ tìm nhiều cách “lách luật” khác nhau. Vì vậy, vấn đề truyền thông là quan trọng nhất bởi người dân không phải một sớm một chiều có thể thông suốt những tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh con.

Bài và ảnh: MINH TUẤN
 

;
.
.
.
.
.