“Tạm yên tâm với các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của thành phố Đà Nẵng hiện nay, tuy nhiên toàn ngành y tế phải thật sự tập trung cao độ để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch bệnh”, đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi làm việc với Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch sởi và tay-chân-miệng (TCM) vào chiều 15-5.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thăm bệnh nhi điều trị tay-chân-miệng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. |
Báo cáo của Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, hiện có 55 ca sởi và 21 ca TCM đang điều trị nội trú. Ghi nhận tại bệnh viện này cho thấy, diễn biến bệnh TCM xuất hiện đều khắp các tháng tính từ đầu năm đến nay và được đánh giá là bệnh thường xuyên với số cộng dồn trong năm là 2.934 (gồm khám và cấp cứu). Trong khi đó, sởi không có ca mắc vào tháng 1-2014 nhưng kể từ tháng 2 thì tăng và tăng theo cấp số nhân.
Tính đến ngày 15-5, số ca sởi điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi là 441 ca, trong đó bệnh nhân Đà Nẵng chiếm 79% (348 ca). Hiện có một số trường hợp nặng gồm 7 trẻ thở oxy, 10 tiêu chảy và 51 ca viêm phổi.
Chuẩn bị đủ cơ số thuốc và trang thiết bị
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã tiến hành tiêm vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi quy định (từ 9-24 tháng tuổi) trên toàn thành phố đạt 85%, còn 15% đã có kế hoạch tiêm vét trong tháng 5 này. |
Để tránh lây chéo và hạn chế nguy cơ biến chứng từ sởi, TCM, Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã thực hiện quy trình phân tuyến và cách ly bệnh nhân có nghi ngờ mắc các bệnh trên ngay từ khâu tiếp nhận ban đầu. Các hoạt động xét nghiệm máu, XQ cũng được tiến hành tại chỗ ngay ở khu lây; đồng thời công tác chống nhiễm khuẩn được thực hiện với nhiều biện pháp như: trang bị bình rửa tay nhanh khắp bệnh viện, hạn chế người nhà bệnh nhân đi khỏi khu lây, luôn có nhân viên giám sát nhiễm khuẩn…
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, thuốc phục vụ chống dịch gồm có Humaglobulin, Tienam, dịch Hemosol lọc máu, vitamin A liều cao... đã được trang bị đầy đủ. Các trang thiết bị máy thở, máy truyền dịch, máy làm ấm máu… cũng đã được bố trí để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Được biết, Bệnh viện này có chuẩn bị thêm 250 giường xếp nên dù bệnh nhân tăng đột biến vẫn bảo đảm không nằm ghép.
Sẽ mở rộng khu lây
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá công tác chống dịch và tạm yên tâm tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, về lâu dài, vì công suất sử dụng giường luôn quá tải (lượng bệnh nằm nội trú thường cao gấp đôi quy mô giường bệnh); đặc biệt theo thời gian, diễn biến dịch bệnh càng phức tạp, khó lường, nhất là trong tình hình cơ sở y tế này thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố lân cận nên lãnh đạo Đà Nẵng sẽ xem xét đề xuất mở rộng khoa lây của Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
Theo đó, khu lây B - nơi đang điều trị bệnh nhân TCM, vốn là nhà kho được tận dụng thành chỗ cho bệnh nhân nằm - sẽ được cải tạo từ trong ra ngoài theo tiêu chuẩn của một khu điều trị cho bệnh nhi. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng quan tâm xem xét đề xuất tăng thêm từ 1-2 máy siêu lọc máu (mỗi máy trên 3 tỷ đồng) cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Hiện Bệnh viện đã có 1 máy siêu lọc máu. Nhờ chiếc máy này, thời gian qua đã có 72 trẻ được cứu sống.
Ngoài sởi và tay-chân-miệng, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Đà Nẵng cũng ghi nhận 134 trường hợp mắc, tính từ đầu năm đến ngày 11-5 giảm 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình dịch có xu hướng giảm dần, số ca mắc tháng 4 giảm 72,5% so với tháng 1. Bệnh thủy đậu 1.133 ca, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2013. |
Bài và ảnh: THU HOA