Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra trước tiên phải lành lặn và khỏe mạnh rồi mới nói tới chuyện đẹp - xấu. Sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, hoặc tránh những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và đáp ứng khát khao chính đáng của các bậc cha mẹ.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,5 triệu em bé được sinh ra, trong đó có 1.400 - 1.800 trẻ bị bệnh Down, 200 - 250 trẻ bị hội chứng Ewards, 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 300 - 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD; 200 - 600 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, 2.200 trẻ bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng sinh ra và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
SLTS là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 16) và dị tật ống thần kinh... SLSS là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ chưa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh...
Chương trình quốc gia về SLTS và SLSS được triển khai tại Đà Nẵng từ năm 2011 đến nay và đã gặt hái nhiều kết quả khả quan. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố, số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn tại cơ sở y tế ngày càng tăng, số trẻ được SLSS tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi và Trung tâm Y tế quận, huyện đã tăng lên đáng kể.
Vì vậy, chương trình Hỗ trợ người khuyết tật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chọn Đà Nẵng để triển khai dự án, trong đó có chương trình tài trợ của USAID cho Chi cục DS-KHHGĐ đối với việc hỗ trợ truyền thông về nâng cao dịch vụ SLSS.
Ông Mark Rasmuson - Giám đốc chương trình DSP (Chương trình tích hợp toàn diện hỗ trợ người khuyết tật) của USAID cho biết, mục tiêu của chương trình này là làm sao cho ngành y tế của Đà Nẵng cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng phát triển, qua đó nâng cao nhận thức, tăng cường tiếp cận và xử lý dịch vụ SLSS, cho phép phát hiện sớm, điều trị một số bệnh và dị tật. Riêng gói dịch vụ của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố là thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ về tầm quan trọng và tính sẵn có của dịch vụ SLSS, khuyến khích họ sử dụng. Để thực hiện gói dịch vụ này, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức hai lớp tập huấn cho ban chủ nhiệm của các CLB tư vấn tiền hôn nhân hai quận Cẩm Lệ và Hải Châu - những đơn vị được hưởng lợi của dự án. Anh Đặng Hồ Văn Linh, Phó Bí thư Đoàn, chủ nhiệm CLB tiền hôn nhân phường Khuê Trung nói rằng, đây là dự án mang đầy tính nhân văn, được các bạn trẻ rất quan tâm như truyền thông về chăm sóc sức khỏe trước khi có thai, SLSS…
Theo bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ chuyên trách công tác dân số phường Hòa Cường Nam, Chủ nhiệm CLB tư vấn tiền hôn nhân, dự án hỗ trợ CLB rất nhiều trong công tác DS-KHHGĐ. Việc thực hiện SLTS và SLSS không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình nào mà là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội, hướng tới hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.
MAI HOA