.

Nguy cơ chấn thương sọ não ở trẻ em

.

Theo các bác sĩ khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, nguy cơ chấn thương sọ não (CTSN) ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Nguy cơ xảy ra CTSN ở trẻ không chỉ do tai nạn giao thông mà còn do nhiều yếu tố khác.

Vết lõm trên sọ vùng đỉnh bên phải đầu của bệnh nhi Phạm Hoàng N.T (9 tháng tuổi, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) sau khi bị ngã từ xe đẩy.
Vết lõm trên sọ vùng đỉnh bên phải đầu của bệnh nhi Phạm Hoàng N.T (9 tháng tuổi, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) sau khi bị ngã từ xe đẩy.

Nhiều nguyên nhân

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng 6 này, khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do bị CTSN với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi Phạm Hoàng N.T (9 tháng tuổi, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), trong lúc ngồi trên xe đẩy đã bị trượt chân té ngã. Bé được sơ cứu và chuyển nhập Bệnh viện Đà Nẵng ngày 8-6 trong tình trạng tỉnh táo, không ói mửa. Chụp CT thấy vết lõm trên sọ vùng đỉnh bên phải đầu của bé. Vết lõm này nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy. Chị T. (mẹ bé) cho biết, do lúc để con chơi, chị mải dọn nhà nên lúc cháu chạy tới tìm mẹ thì không may bị trượt chân ngã. “Các bác sĩ nói rằng không phải mổ nên gia đình cũng yên tâm vì cháu không bị đau đớn. Tôi chỉ sợ cháu bị ảnh hưởng về sau này”, chị T. lo lắng.

Tương tự, bệnh nhi Nguyễn M.T (8 tuổi, nhà ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cũng phải nhập viện sau khi bị ngã cầu thang tại nhà. Mặc dù còn tỉnh táo nhưng bé bị đau đầu và có hiện tượng nôn mửa nhiều. Bé được cấp cứu và chụp CT sọ não thì phát hiện có máu tụ ngoài màng cứng đỉnh chẩm bên trái, nên đã được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật và lấy toàn bộ lượng máu tụ ra ngoài. Hiện nay cháu bé đã đỡ đau đầu, không còn nôn mửa và kết quả chụp CT cho thấy sọ sau mổ đã ổn định.

Không để trẻ một mình

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Huy Khanh, khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, nguyên nhân gây CTSN ở trẻ em thường gặp nhất là do tai nạn giao thông và tai nạn trong sinh hoạt. Trong đó, nguyên nhân do tai nạn giao thông xảy ra với trẻ dưới 10 tuổi là phổ biến. “Bên cạnh việc khi ngồi xe máy cùng với người lớn nhưng trẻ em không được đội mũ bảo hiểm đúng quy định, phù hợp với lứa tuổi, nên khi bị té xe, trẻ rất dễ bị CTSN nặng. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, trẻ hiếu động, khi các bé chơi đùa ngoài đường hay băng qua đường bị xe đụng gây CTSN… Còn nguyên nhân do tai nạn trong sinh hoạt thường gặp nhất là do trẻ bị ngã cầu thang, bị ti-vi ngã đè, ngã từ trên giường xuống, trượt chân té…, mà phần lớn do sự chủ quan của người lớn”, bác sĩ Khanh phân tích.

Cũng theo bác sĩ Khanh, trường hợp CTSN nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Còn CTSN nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não… rất dễ để lại biến chứng về sau cho trẻ.

Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do CTSN gây ra, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ cần hết sức cảnh giác khi trông nom trẻ, nhất là thời điểm trẻ mới biết bò, biết đi. Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động. Không để trẻ tự ý leo lên gác cao hoặc bước xuống thang gác. Các phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý việc đội mũ bảo hiểm phù hợp với lứa tuổi, đúng quy định khi chở trẻ đi mô-tô, xe gắn máy, xe hai bánh. Khi xảy ra chấn thương ở vùng đầu, cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.

Bà Nguyễn Thị Kiều Chinh, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã tiếp nhận, điều trị cho 55 trường hợp (trong đó 21 trường hợp trẻ từ 0-4 tuổi và 34 trường hợp trẻ từ 5-15 tuổi bị CTSN). Trong số này có 12 trường hợp bị CTSN do tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước, tổng số ca nhập viện do CTSN giảm 31 trường hợp, song vẫn còn cao. “Nguy cơ CTSN ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng nếu người lớn không cẩn thận. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức chú tâm trong việc trông coi trẻ, không chủ quan để trẻ một mình…”, bà Chinh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH
 

;
.
.
.
.
.