.

Nụ cười trở lại trên môi

.

“Trong quá trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục, có những em bị bệnh nặng, chúng tôi chỉ phẫu thuật được về mặt hình thức chứ không phục hồi được chức năng sinh sản; nhưng có thể giúp các em rất nhiều về tâm lý, để các em thấy tự tin hơn trong cuộc sống”, Giáo sư Roberto DeCastro nói với các phóng viên sáng 17-6 tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng về ý nghĩa của 5 đợt phẫu thuật trước.

Giáo sư Roberto DeCastro (đứng trước bên trái) trao đổi với các bác sĩ về một trường hợp bệnh nhân. 		Ảnh: HOÀNG NHUNG
Giáo sư Roberto DeCastro (đứng trước bên trái) trao đổi với các bác sĩ về một trường hợp bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Bằng bàn tay tài hoa và y đức tuyệt vời của mình, ông và các y bác sĩ đến từ Ý, Mỹ và trên khắp Việt Nam đều mong muốn đem lại cho các bệnh nhân một cuộc sống tinh thần tốt hơn, một cơ thể trọn vẹn hơn, bù lại những khiếm khuyết không may cho các em.

Nhìn Hà Gia Phong và Lê Anh Kiệt thân thiết nhau như hai anh em, vui đùa trên hành lang bệnh viện, mẹ Gia Phong cười tươi, mắt lấp lánh niềm vui: “Hai đứa quen nhau trong đợt phẫu thuật năm ngoái đó, giờ thân nhau lắm”. Năm trước, hai cậu bé, Gia Phong 10 tuổi và Anh Kiệt gần 3 tuổi cùng chung căn bệnh dị tật lỗ tiểu thấp, trở thành bệnh nhân của Giáo sư Roberto. Ca phẫu thuật đã thành công. Đợt này, nhận được tin Giáo sư và đoàn chuyên gia sang Bệnh viện Phụ sản-Nhi phẫu thuật cho những em bé khác, hai bà mẹ dẫn con đến thăm khám.

Gia Phong giờ đã cao gần bằng các bác sĩ trong khoa Ngoại nhi, tự tin vào phòng khám một mình. Giáo sư Roberto ôm vai cậu bé, còn các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng xuýt xoa khen cậu bé đẹp trai, Phong cười bẽn lẽn. Năm ngoái, một ngày sau ca phẫu thuật, anh Hà Văn Thịnh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), bố của Phong, nói với tôi: “Gia đình anh gặp Giáo sư Roberto như gặp lộc trời cho, vì đó là ca mổ lần thứ 4 của Gia Phong”.

Những em bé bị dị tật lỗ tiểu thấp đều được mổ thành công, đó là kết quả đáng ghi nhận của chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Có những ca khó như trường hợp của Nguyễn Quốc Cảnh, 25 tuổi, ở Hiệp Đức, Quảng Nam bị hẹp dương vật, đường tiểu bị cắt trong một lần phẫu thuật, bàng quang bị đưa ra ngoài. Cảnh đã phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật và lần phẫu thuật lần thứ 15, Giáo sư Roberto đã trả lại hình hài và chức năng làm một người đàn ông thực thụ cho Cảnh. Gặp tôi mới đây, Cảnh cười vui: “Giờ công việc của em là bán hàng tạp hóa, vẫn chưa có bạn gái nhưng cuộc sống của em vui hơn trước rất nhiều. Ba em cũng rất vui vì bây giờ ông không phải theo em trong các đợt phẫu thuật nữa”.

Giáo sư Roberto cho biết, ông và đoàn chuyên gia không giới hạn và thăm khám cho tất cả các bệnh nhân bị dị tật bộ phận sinh dục, cả bé trai và bé gái, tuy nhiên do mỗi đợt phẫu thuật chỉ giới hạn trong thời gian ngắn nên các bác sĩ ưu tiên những ca khó, phức tạp. Ngoài ra, hàng chục bác sĩ được hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm; một số bệnh viện được Quỹ phòng chống thương vong châu Á- đơn vị sáng lập chương trình này tài trợ trang thiết bị phục vụ phẫu thuật, nên các ca bệnh nhẹ vẫn được phẫu thuật bình thường tại các bệnh viện.

Bác sĩ Trần Đình Vinh, GĐ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng (trái); ông Greig Craft, đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á và “chú lính chì”  Thiện Nhân.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, GĐ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng (trái); ông Greig Craft, đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á và “chú lính chì” Thiện Nhân.

Cấy lại niềm tin

Tít bài viết này, chúng tôi mượn một câu hát trong bài “Những con mắt trần gian” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Những con mắt muộn phiền/Xin cấy lại niềm tin. Vâng, xin cấy lại niềm tin. Những ông bố, bà mẹ đau đáu với bệnh tình của con, có lúc tưởng như vô vọng vì những lời dị nghị của người đời, vì lời khuyên của bác sĩ nên chuyển giới tính cho cháu…nay đã có thêm nghị lực, có niềm tin để hướng tới, giúp con nguyên vẹn hình hài, trở thành người đàn ông, người phụ nữ thực thụ, khi họ gặp được đoàn bác sĩ chuyên gia đầu ngành về niệu đạo-sinh dục do Giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực này-Roberto DeCastro tiến hành phẫu thuật. Như chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân, chia sẻ: “8 năm vừa qua là một hành trình của hai mẹ con, từ những lúc không biết đi đâu và làm gì, đến lúc chúng tôi gặp được Giáo sư Roberto, ông đồng ý phẫu thuật cho Nhân và đồng ý sang Việt Nam để phẫu thuật cho những em bé không may khác. Nay Thiện Nhân đã biết đến đây để giúp đỡ các bạn như mình. Mong các bà mẹ không từ bỏ hy vọng”.

Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đến Đà Nẵng lần này là lần thứ 3, số lượng bệnh nhân đến khám đông hơn các lần trước, số bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cũng tăng từ 3 em năm 2013 lên 12 em năm 2014. Điều đó chứng tỏ chương trình đã tác động đến nhiều người, giúp các gia đình bớt lo âu, được giải tỏa tâm lý và các cháu bé không còn thấy cản trở khi đến tuổi vào lớp 1 hay ra với cộng đồng.

Ông Greig Craft, đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á, người sáng lập chương trình, là cha đỡ đầu của bé Thiện Nhân, bày tỏ: “Từ những khó khăn của Thiện Nhân, chúng tôi thấu hiểu sự khó khăn của các gia đình. Làm thế nào để chuyển tải thông tin đến các gia đình, đưa các em bé đến nơi khám bệnh. Các ca phẫu thuật này không chỉ giúp các em nhỏ có thể tiểu tiện bình thường, không còn mặc cảm, xấu hổ mà còn giúp các em có một cuộc sống hòa đồng và hữu ích”.

Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn - Phẫu thuật, tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em” bắt đầu khám sàng lọc cho bệnh nhân khắp mọi miền đất nước từ tháng 8-2011. Từ đó đến nay chương trình được thực hiện một năm hai lần. Chuyên gia người Ý – Giáo sư Roberto DeCastro mỗi lần đến Việt Nam thường mời thêm bạn bè cùng tham gia. Đồng hành với ông là chuyên gia người Mỹ gốc Việt – Giáo sư Đinh Anh Tuệ. Năm nay ông đã mời Giáo sư Emilio Merlini và bác sĩ Aurelie Chiappinelli đều đến từ Ý tham gia đợt phẫu thuật cho bệnh nhân miền Trung, tổ chức tại Đà Nẵng từ 17 đến 21-6-2014.

Bài và ảnh: HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.