Quan niệm triệt sản sẽ làm mất phong độ đàn ông khiến nhiều ông chồng đắn đo không dám thắt ống dẫn tinh, nên dễ dẫn đến vỡ kế hoạch, gây nhiều hệ lụy trong chuyện sinh nở.
Tâm lý e ngại
Vợ chồng anh N.V.H (43 tuổi) và chị L.T.L (40 tuổi), ở quận Hải Châu, đã có ba con, đủ cả trai lẫn gái và anh chị quyết định không sinh thêm con vì kinh tế gia đình khá khó khăn. Tuy nhiên, chị L. đã nhiều lần đi đặt vòng tránh thai nhưng không hiệu quả, bị rong kinh nên đành phải tháo vòng ra. Mới đây, vì “dính” bầu, chị phải phá thai, vừa tốn kém, vừa hại sức khỏe. Sau đó, cán bộ làm công tác dân số ở địa phương đến vận động tuyên truyền anh đi thắt ống dẫn tinh. “Lúc đầu ổng đồng ý, sau nghe mấy ông bạn nhậu dọa thắt ống dẫn tinh xong phong độ đàn ông giảm sút, “chuyện ấy” sẽ không hứng thú… nên ổng nhất định không chịu đi nữa”, chị L. nói.
Trường hợp của anh L.N (40 tuổi, ở quận Thanh Khê) cũng như vậy. Vợ anh sinh mổ hai lần được hai cậu “quý tử”, anh chị cũng quyết định không sinh thêm con để khỏi nguy hiểm cho vợ và cũng bởi kinh tế chẳng dư dả. Thực hiện nhiều biện pháp tránh thai không hiệu quả, vợ anh N. cũng đã mấy lần phải vào bệnh viện “giải quyết” vì có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, sau khi thắt ống dẫn tinh, anh N. lo lắng đến nỗi không làm được việc gì vì nghĩ mình không còn “mạnh mẽ” nữa, thậm chí thờ ơ cả “chuyện ấy”. Sau khi được bác sĩ tư vấn rằng việc anh “yếu” chỉ là do yếu tố tâm lý, chứ không liên quan đến việc thắt ống dẫn tinh và “chuyện ấy” không bị ảnh hưởng gì, anh N. mới dần trở lại bình thường.
Chị Nguyễn Thị Minh Hải, cán bộ phụ trách dân số phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), cho biết việc vận động nam giới tham gia triệt sản bằng biện pháp thắt ống dẫn tinh rất khó, do quan niệm của nhiều người sợ mất phong độ đàn ông. “Năm ngoái và những tháng đầu năm nay ở địa phương chưa có ca triệt sản nam nào, dù chúng tôi rất nỗ lực vận động”, chị Hải cho biết.
Không ảnh hưởng gì đến “chuyện ấy”
Đà Nẵng hiện hỗ trợ một ca triệt sản nam 700.000 đồng, còn tùy theo khả năng tài chính từng quận, huyện mà hỗ trợ thêm cho từng đối tượng. Tuy vậy, số người tham gia triệt sản nam vẫn chưa nhiều. Theo các bác sĩ, thắt ống dẫn tinh được ghi nhận là một trong những biện pháp kế hoạch hóa gia đình với tỷ lệ thành công hơn 95%.
Thắt ống dẫn tinh chính là ngăn chặn đường ra của tinh trùng. Người đi triệt sản không gặp trục trặc gì trong quan hệ tình dục, không làm thay đổi giọng nói, cơ bắp hay râu ria của nam giới cũng như “sức mạnh” của họ trong “chuyện ấy”. Đây là biện pháp tránh thai vĩnh viễn, có hiệu quả gần như 100% cho nam giới và là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, lại không hề có tác dụng phụ.
Thông tin từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 102 ca triệt sản, trong đó có 97 ca triệt sản nữ và chỉ có 5 ca nam. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ thành phố: “Triệt sản là một trong những biện pháp tránh thai để người dân lựa chọn.
Triệt sản nam chỉ là thắt và cắt đường ống dẫn tinh, mọi hoạt động sinh lý vẫn bình thường. Kỹ thuật triệt sản nam nhanh gọn, đơn giản hơn triệt sản nữ nhiều, bởi vậy khuyến khích anh em chia sẻ gánh nặng kế hoạch hóa gia đình với chị em. Do nhận thức chưa đúng của không ít người và tư tưởng bất bình đẳng giới nên số người triệt sản nam còn ít”.
MỸ DUYÊN