Đoàn của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng vừa có chuyến công tác tại Hải Phòng để trao đổi kinh nghiệm về xã hội hóa (XHH) chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone thay thế. Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành XHH chương trình này với mục tiêu duy trì các thành quả đã đạt được và bảo đảm tính bền vững của chương trình.
Bác sĩ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế |
Xung quanh vấn đề XHH công tác cai nghiện bằng Methadone, bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết:
- Khi chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được áp dụng ở Đà Nẵng từ tháng 9-2011, tính đến ngày 31-5-2014, có 303 người nghiện đang được điều trị tại hai cơ sở điều trị Methadone của thành phố. Chương trình đã đem lại nhiều hiệu quả: thể trạng của bệnh nhân được cải thiện rõ sau từ 3-9 tháng điều trị, trong đó cân nặng tăng trung bình 3kg, hơn 95,5% bệnh nhân có cải thiện mối quan hệ với gia đình...
Ngoài ra, trong thời gian tham gia điều trị, có 84,5% bệnh nhân tìm được việc làm. Tỷ lệ bệnh nhân thất nghiệp giảm từ 60,8% còn 15%. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng lại heroin giảm rõ rệt từ 100% còn 32% sau 3 tháng, 22% sau 6 tháng và 14,5% sau 9 tháng điều trị. Sau 6 tháng, 1 năm, 2 năm điều trị, bệnh nhân đều được xét nghiệm HIV nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV mới.
* Từ khi triển khai chương trình điều trị bằng Methadone tại Đà Nẵng, người tham gia không chịu bất kỳ chi phí nào. Vậy chúng ta dựa vào nguồn kinh phí nào để duy trì hoạt động của chương trình?
- Chương trình điều trị Methadone tại Đà Nẵng được sự tài trợ của dự án VAAC-US.CDC nên bệnh nhân đều được miễn phí. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2015, dự án chỉ hỗ trợ thuốc Methadone và dừng hỗ trợ các chi phí khác. Để tiếp tục duy trì hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của chương trình, Sở Y tế đang xây dựng Đề án XHH điều trị Methadone trình HĐND và UBND thành phố phê duyệt, trong đó ngân sách thành phố sẽ chi phí cho nhân sự của cơ sở điều trị Methadone và hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân nghèo, thuộc diện chính sách; Dự án VAAC-US.CDC cung cấp thuốc Methadone; bệnh nhân chi trả các chi phí khác liên quan, bao gồm: xét nghiệm cơ bản ban đầu, khám sàng lọc ban đầu, xét nghiệm nước tiểu thường xuyên… và các chi phí thường xuyên khác như nước uống, cốc uống thuốc sử dụng một lần, bảo quản thuốc…
* Việc triển khai XHH, theo ông, sẽ mang đến những lợi ích và bất lợi nào cho cả người tham gia lẫn người quản lý?
- Việc XHH điều trị Methadone sẽ giúp chúng ta có một phần kinh phí để duy trì hoạt động và bảo đảm tính bền vững của chương trình, giảm gánh nặng chi tiêu ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị. Bệnh nhân không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai XHH chương trình điều trị Methadone có thể sẽ có những khó khăn nhất định như người quản lý khó khăn trong việc thu phí từ bệnh nhân, quản lý nguồn thu, sử dụng nguồn thu, đặc biệt khi nguồn thu không đủ để bù chi (khi bệnh nhân không nộp đủ theo kế hoạch) sẽ là một khó khăn cho cơ sở. Đối với người tham gia, do từ trước đến nay bệnh nhân quen với việc điều trị được miễn phí nên chưa sẵn sàng trong việc XHH hoặc một số bệnh nhân khó khăn không có khả năng nộp phí.
* Vậy tại sao chúng ta cần triển khai mô hình này và chương trình có thực thi, mang lại hiệu quả cao như trong thời gian vừa qua không, thưa ông?
- Việc triển khai XHH điều trị Methadone là cần thiết trong bối cảnh kinh phí hỗ trợ từ các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, nguồn ngân sách Nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm mạnh (60%) và dự kiến năm 2015 sẽ còn tiếp tục cắt giảm, ngân sách thành phố đầu tư cho chương trình hạn chế. XHH điều trị Methadone là khả thi vì về cơ bản vẫn có sự đầu tư kinh phí của thành phố, sự hỗ trợ thuốc Methadone của dự án, bệnh nhân chỉ đóng góp một phần kinh phí rất nhỏ so với kinh phí của thành phố và dự án quốc tế bỏ ra. Nếu triển khai thực hiện tốt việc XHH điều trị Methadone thì hiệu quả chương trình sẽ vẫn được duy trì.
* Số lượng người bị nghiện trong cộng đồng ngày một gia tăng. Trong thời gian đến, Sở Y tế thành phố có ý định xây dựng thêm cơ sở điều trị mới để đáp ứng nhu cầu này không, thưa ông?
- Hiện tại hai cơ sở điều trị Methadone của thành phố đang điều trị hơn 300 bệnh nhân và còn có thể tiếp tục thu dung điều trị thêm 100-200 bệnh nhân nữa, nên thành phố chưa có chủ trương xây dựng thêm cơ sở điều trị Methadone. Khi số lượng bệnh nhân điều trị đông vượt quá khả năng thu dung điều trị, chúng tôi sẽ đề xuất mở thêm các cơ sở cấp phát thuốc vệ tinh để đáp ứng nhu cầu điều trị cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của bệnh nhân.
* Xin cảm ơn ông!
BÌNH AN thực hiện