.

Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể: phản khoa học!

.

Ngày 8-7, nhiều người xôn xao trước thông tin về cái chết thương tâm của một nữ sinh do áp dụng phương pháp phản khoa học: nhịn ăn để thanh lọc cơ thể. Nữ sinh này cao 1,6 mét, nặng 80kg, BMI 30, đã tuyệt thực 10 ngày liền.

Hậu quả là phải vào viện vì hôn mê sâu, hạ thân nhiệt, trụy mạch, tụt huyết áp và tử vong sau đó. Đây là nạn nhân đầu tiên của phương pháp “nhịn ăn thanh lọc cơ thể trong 12 ngày” để vừa loại bỏ chất độc vừa giảm cân chống béo phì được phát tán trên mạng thời gian gần đây.

Béo phì: Chỉnh chế độ, không nhịn ăn.
Béo phì: Chỉnh chế độ, không nhịn ăn.

Những điều cơ bản về ăn uống

Cơ thể con người là một bộ máy sinh học phức tạp. Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, muốn hoạt động cơ thể cần phải được cung cấp năng lượng. Người lớn: nằm yên cũng cần cung cấp (tiêu hao) khoảng 1.400 Kcal, năng lượng cho những hoạt động tối thiểu, ăn uống cần thêm 180 Kcal, ngồi yên 1.800-2.000 Kcal, làm việc chân tay 5.000 - 6.000 Kcal, leo gác cần năng lượng gấp cả chục lần khi nằm. Trẻ em cần năng lượng nhiều hơn người lớn, mang thai cần nhiều hơn phụ nữ bình thường...  Nguồn năng lượng chủ yếu là do sự đốt cháy hay oxy hóa các loại thức ăn. Khi ăn uống thiếu thốn hay nhịn ăn, cơ thể sẽ phải “tự ăn” (autodigestion) chính bản thân để bù đắp đủ số năng lượng cần thiết cho vận hành các chức năng sống.  

Cần lưu ý, uống cũng có vai trò quan trọng như ăn. Nước chiếm

60- 70% trọng lượng cơ thể. Dù không cung cấp năng lượng, nhưng nước có các vai trò quan trọng để duy trì sự sống: (1) dung môi để hòa tan, vận chuyển và trao đổi các chất dinh dưỡng cho mọi tế bào cơ thể; (2) chất giúp bôi trơn để tạo dễ dàng cho các chuyển động của xương, sụn, màng phổi, cơ hoành và (3) điều hòa thân nhiệt.  Khi lượng nước trong cơ thể giảm 2-5%, tức mất nước độ 1 thì ta bắt đầu thấy khát, mệt mỏi, đau đầu, phản xạ chậm. Khi lượng nước trong cơ thể mất trên 10%, mất nước độ 2, có khả năng gây mạch nhanh, huyết áp hạ. Nếu lượng nước mất trên 20%, mất nước độ 3, nguy cơ trụy tim mạch, choáng (sốc) có thể gây tử vong.

Nhịn ăn chỉ làm giảm cân, không thể “thanh lọc” cơ thể

Cần lưu ý là mỗi căn bệnh đều có một chế độ ăn riêng biệt. Nhưng không có căn bệnh nào lại yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn.

Khi nhịn ăn, năng lượng cơ thể có được là do “tự tiêu hóa” cơ thể. Nhịn ăn, thiếu ăn chắc chắn sẽ làm sụt cân. Theo dinh dưỡng học, giảm cân bằng nhịn ăn là không khoa học. TS. Madelyn Fernstrom, Giám đốc Trung tâm Quản lý giảm cân, ĐH Pittsburgh: “Nhịn ăn gây giảm cân nhanh do mất nước hơn là được giảm cân thật sự, do đó cơ thể lại tăng cân nhanh chóng sau khi ăn trở lại”. BS Joel Fuhrman, tác giả cuốn sách  Ăn để sống (Eat to Live), thì cho rằng: “Nhịn ăn không là công cụ giảm cân, nhịn ăn chỉ làm chậm tốc độ trao đổi chất của bạn xuống và sẽ béo hơn khi ăn trở lại”.

Y học chỉ rõ rằng, cơ thể thải chất độc và chất cặn bã ra ngoài theo đường tiêu hóa, tiết niệu, hơi thở và mồ hôi. Đến nay, chưa có y văn nào dẫn giải việc thải độc cơ thể bằng cách nhịn ăn!

Điều chỉnh chế độ ăn không phải là nhịn ăn

Hiện nay, mức sống tăng, thực phẩm dồi dào, béo phì và đái tháo đường là hai nguy cơ lớn, đang tăng lên rất nhanh. Thống kê năm 2014 cho thấy, tỷ lệ béo phì khoảng 15% có nơi đến 30%; tỷ lệ đái tháo đường là 5,6%, tính gộp luôn với tiền đái tháo đường (sắp bị đái tháo đường) thì lên đến 20%.

Điều trị các bệnh lý nội tiết thường có ba chế độ bắt buộc, “kiềng ba chân”, là chế độ ăn uống, chế độ vận động và chế độ thuốc men, trong đó chế độ ăn uống được đánh giá là quan trọng nhất. Để nhanh chóng ổn định, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn kèm theo đơn.

TS, BS TRẦN BÁ THOẠI

(Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.