.
SỬ DỤNG THIẾT BỊ Y TẾ ĐIỆN TỬ

Coi chừng tiền mất tật mang

.

Thời gian gần đây, các dụng cụ y tế điện tử như: máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, máy xung khí... nở rộ không chỉ ở các cửa hàng vật tư y tế, tiệm thuốc tây mà còn tràn lan trên mạng Internet. Nhiều trường hợp sau khi sử dụng các thiết bị y tế, hiệu quả không thấy đâu, chỉ thấy tiền mất tật mang vì mua nhầm hàng kém chất lượng hoặc không biết cách dùng.

Máy đo huyết áp được bày bán tràn lan trên mạng.
Máy đo huyết áp được bày bán tràn lan trên mạng.

Hết bệnh mà không cần dùng thuốc (!?)

“Công nghệ hiện đại không cần thuốc”, “Hết bệnh không cần dùng thuốc”…, những lời chào mời thật “kêu” như thế này rất dễ gặp với bất kỳ thiết bị y tế điện tử nào.

Tại khu vực trước Bệnh viện Đà Nẵng (đường Hải Phòng), có gần chục tiệm thuốc tây và cửa hàng vật tư y tế có bán các thiết bị y tế điện tử. Chị H., nhân viên một trong những cửa hàng ở đây cho biết: “Dạo gần đây, người dân hỏi mua thiết bị y tế điện tử rất nhiều. Ở cửa hàng tôi, riêng máy đo huyết áp có đến 5 loại của nhiều hãng, giá cả cũng khá chênh lệch”. Chị H. còn quảng cáo thêm: “Chỉ cần dùng máy xông khí dung, máy chữa bệnh viêm mũi dị ứng thì bệnh sẽ khỏi ngay mà không cần dùng thuốc”.

Tại một tiệm vật tư y tế khác trên đường Hùng Vương, bà chủ cửa hàng hào hứng giới thiệu với chúng tôi về tác dụng của vớ (tất) chống suy tĩnh mạch với giá khá cao: “Tất này có tác dụng phục hồi sự lưu thông máu, giảm thiểu nguy cơ hình thành huyết khối do tốc độ dòng máu chảy chậm gây ra…”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về điều kiện, nơi bảo hành, chị này ngập ngừng và nói: “Không hư đâu mà lo!”.
Không chỉ trên thị trường, trên mạng Internet hiện có hàng trăm trang web y khoa với vô số loại thiết bị y tế gia đình. Thậm chí, còn có hẳn tên miền tương ứng với các dụng cụ phổ biến như maydohuyetap.com, maydoduonghuyet.vn... của nhiều nước khác nhau. Giá các sản phẩm dao động từ 350.000 đồng đến hàng triệu đồng.

Cần sự tư vấn của bác sĩ

“Có bệnh nhân mỗi ngày đo huyết áp cả chục lần. Khi thấy huyết áp chênh lệch một chút thì vội uống thuốc hạ huyết áp, hoặc lo lắng thái quá dẫn đến tai biến”, bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bày tỏ sự lo lắng về tình trạng người dân lạm dụng các thiết bị y tế điện tử.

Trên thị trường hiện nay có quá nhiều thiết bị y tế điện tử trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không bảo đảm như quảng cáo. Việc sử dụng các máy móc này cũng khá lờ mờ khi chỉ qua lời tư vấn của nhân viên bán hàng hoặc thông qua tờ giấy hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm. “Các sản phẩm y tế điện tử cần có sự kiểm chứng của các nhà chuyên môn và hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ của bác sĩ.

Người bệnh không nên tự tiện sử dụng để rồi cho ra những kết quả không chính xác”, bác sĩ Nhân nói, đồng thời cho biết thêm, hiện nay, có khá nhiều người dùng máy đo đường huyết, đo huyết áp sai nguyên tắc. Chẳng hạn, việc đo đường máu ngay sau bữa ăn, hẳn nhiên chỉ số đường sẽ cao. Nếu uống thuốc hạ đường huyết ngay lúc đó sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị hạ đường huyết, gây hôn mê. Với loại máy xông khí dung cho những người mắc hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chuyên gia y tế khuyên người dùng không nên sử dụng các hương thảo liệu như bạc hà vì rất dễ gây nấm cho đường hô hấp.

Bác sĩ Lê Đức Nhân khuyến cáo: “Để mua đúng sản phẩm chất lượng và để việc sử dụng đạt hiệu quả cao, người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, thậm chí đối chiếu kết quả giữa máy điện tử và máy móc truyền thống để bảo đảm các thông số không sai lệch quá 5%. Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng thường xuyên cũng rất quan trọng, nhằm bảo đảm các thiết bị không bị trục trặc, cho kết quả sai lệch khiến người bệnh hoang mang, tiền mất tật mang”.

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.