.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau thắt lưng và đau dây thần kinh tọa ở người trung niên. Thống kê có khoảng 70 - 80% bệnh nhân đau thắt lưng (low back pain) là do thoát vị đĩa đệm. Bệnh đau thần kinh tọa được ghi nhận rất lâu, trong văn bản viết tay của người Ai Cập cổ đại, khoảng năm 2500-3000 trước công nguyên. Reichauer đã ví von rằng, “bệnh của đĩa đệm là những hiến vật của con người phải trả cho thiên năng đi đứng thẳng”.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Cột sống có 33 đốt xương chồng lên nhau, giữa hai đốt sống liền kề có một đĩa đệm. Đĩa đệm đóng vai trò là lớp lót, đàn hồi, giúp cột sống gập, ngửa, nghiêng, xoay mà không ảnh hưởng đến thân xương. Cấu trúc đĩa đệm gồm có vòng sợi, dai, chắc bọc viền chung quanh nhân nhầy, dạng keo nằm ở trung tâm.

Thoát vị xảy ra khi nhân nhầy không còn ở vị trí trung tâm mà trượt ra sau chèn vào tủy sống hay các rễ thần kinh gây đau thắt lưng và thần kinh tọa.

Nhận biết thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng có hai nhóm triệu chứng chính: (1) Đau, tê vùng thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân. Khởi bệnh có thể đau dữ dội, hoặc  âm ỉ, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi người. Ngoài ra còn có cảm giác kiến bò, tê cóng, kim châm ứng với vùng đau. Cơn đau thường kéo dài từng đợt 1-2 tuần, sau đó lui dần rồi tái phát. Về sau, cơn đau thường xuyên hơn, kéo dài hàng tháng nếu không điều trị. (2) Do đau nên khả năng vận động bị giảm sút đưa đến yếu cơ, teo cơ đùi, cẳng chân, bàn chân..

Điều trị thoát vị ra sao?

Có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu (nhiệt, điện xung, siêu âm, laser, massage cơ vùng lưng, kéo cột sống…); dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.

Hơn 70% bệnh nhân điều trị bảo tồn bằng phục hồi chức năng, vật lý trị liệu kết hợp uống thuốc nội khoa có kết quả giảm đau, lui bệnh, một số rất ít bị tái phát.

Nếu điều trị bảo tồn không đúng phương pháp, bệnh không giảm đau do đĩa đệm vẫn còn chèn ép các rễ thần kinh sẽ gây ra các biến và di chứng như teo cơ, yếu chi, đi lại khó...

Việc phẫu thuật chỉnh hình các trường hợp đã có di chứng như teo cơ, yếu chi, cũng như việc tập phục hồi chức năng sau mổ mất nhiều thời gian và khả năng lành bệnh kém hơn phẫu thuật khi chưa có biến chứng. Do đó, khi đã điều trị bảo tồn đúng phương pháp trong thời gian hai tháng mà không đạt kết quả như dự kiến, bệnh nhân không giảm đau, bắt buộc phải tái khám để được đánh giá và chọn phương cách điều trị tiếp: nên can thiệp phẫu thuật hay tiếp tục điều trị bảo tồn.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật như mổ hở, mổ nội soi hay vi phẫu thuật. Cho đến nay, mổ hở vẫn là phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Mổ hở cho kết quả tốt đến 90% trường hợp. Qua mổ hở, bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy nhân đệm, giải phóng các rễ thần kinh bị chèn ép… rất an toàn.

Theo báo cáo của Lê Ngọc Dũng và Phan Phú Kiểm, Khoa Ngoại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, trong 565 trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng, từ tháng 4-2002 đến 9-2011, độ tuổi trung bình là 42, nam chiếm 63%, lao động thể lực chiếm 83,7%, kết quả phẫu thuật tốt chiếm 92%, thời gian nằm viện tương đối ngắn, trung bình 5 ngày.

Cảnh giác biến chứng và di chứng

Nếu điều trị bảo tồn đúng phương pháp hơn hai tháng vẫn không giảm đau phải khám bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh, cột sống và có thể chụp phim CT hoặc MRI thêm để xác định chẩn đoán và quyết định bảo tồn hay phẫu thuật.

Đánh giá không sát, điều trị không đúng hay điều trị quá dài có thể dẫn đến các biến chứng, di chứng như teo cơ, yếu chi, đi lại khó, rối loạn đại, tiểu tiện... cũng như một số bệnh “do thầy thuốc” (iatrogenic) như  viêm dạ dày do thuốc giảm đau,  viêm da, xơ cứng hay loét vùng thắt lưng do tiêm chích, châm lể...

BS CKII PHAN PHÚ KIỂM

Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.