Viêm tai giữa tiết dịch (VTGTD) là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Đây là viêm mạn tính tai giữa, dịch tiết có ba loại: dịch trong, dịch nhầy và dịch mủ. Nếu không được điều trị đúng sẽ có di chứng nặng làm suy giảm chức năng nghe. Điều trị VTGTD gồm phương pháp điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật.
Các nguyên nhân:
- Viêm đường hô hấp trên gây tắc mũi, giảm thông khí và tạo áp lực âm trong tai giữa. Chất nhầy tích tụ ở vòm mũi họng, nhiễm trùng niêm mạc gây tắc nghẽn vòi nhĩ và nhiễm trùng tai giữa.
- Tắt vòi nhĩ là yếu tố quan trọng:
+ Tắc vòi nhĩ chức năng: vòi nhĩ bị xẹp kéo dài do tăng trở kháng, do cơ chế mở vòi nhĩ không hoạt động;
+ Tắc vòi nhĩ cơ học: có thể xảy ra bên trong do hiện tượng viêm và phù nề thứ phát, hoặc ở bên ngoài do khối VA phì đại, u nang, u xơ, ung thư vòm mũi họng…
- Các nguyên nhân khác như: miễn dịch học, trào ngược dạ dày thực quản…
Viêm tai giữa tiết dịch còn gọi là viêm tai yên lặng, có đến 40-50% trẻ và bố mẹ không nhận thấy dấu hiệu đáng kể nào. Phụ huynh nên mang trẻ đi khám khi thấy trẻ nghe kém hoặc kém tập trung.
Khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ phát hiện những dấu hiệu thực thể: (1) Dấu hiệu bất động màng nhĩ khi có bơm hơi là dấu hiệu có giá trị và quan trọng nhất trong chẩn đoán. Màng nhĩ cần đánh giá: vị trí phồng, co lõm, túi co lõm, màu sắc, độ di động. (2) Nhĩ lượng đồ là phương tiện giúp đánh giá khách quan tình trạng của tai giữa mà không cần đòi hỏi trẻ phải hợp tác tốt lúc đo. (3) Thính lực đồ: Điếc dẫn truyền ở mức độ nhẹ có thể là phát hiện đầu tiên của VTGTD, nhưng việc đo thính lực không phải là một phương pháp sàng lọc chính xác.
Nếu không được điều trị đúng bài bản, VTGTD có thể gây ra nhiều biến chứng như: (1) Nghe kém. Cần lưu ý đứa trẻ nghe kém bị ảnh hưởng mạnh lên việc phát triển chức năng ngôn ngữ (phát âm, nói..) và phát triển trí tuệ. Ở trẻ lớn, nghe kém thường dẫn đến nói to, gây cảm giác khó chịu trong tai, đau tai nhẹ từng lúc, hay có cảm giác đầy tai, ù tai. (2) Sụp lõm tai giữa. (3) Viêm tai giữa dính, Cholesteatoma. (4) Xơ nhĩ. (5) Điếc tiếp nhận. (6) Ảnh hưởng lên sự phát triển của các thông bào xương chũm. (7) Rối loạn thăng bằng, chóng mặt.
Viêm tai giữa tiết dịch có thể điều trị nội khoa, phẫu thuật hay phối hợp Nội khoa sử dụng: Thuốc kháng sinh: rất cần để chống vi khuẩn, thống kê cho thấy đến 30-50% dịch trong VTGTD khi đem cấy vi trùng cho kết quả dương tính; thuốc kháng histamine, chống dị ứng; thuốc làm co mạch thông mũi: vai trò chưa được giải thích rõ ràng tùy theo từng trường hợp; thuốc corticoid toàn thân; áp dụng nghiệm pháp valsava và thông vòi nhĩ; thuốc tan đờm…
Điều trị phẫu thuật gồm những kỹ thuật như: trích rạch màng nhĩ kèm hay không kèm đặt ống thông nhĩ, nạo VA, điều trị các tắt nghẽn do u, nang khác.
Mục đích lý tưởng của điều trị ngoại khoa nhằm:
+ Lấy hết dịch tai giữa
+ Cải thiện thính lực
+ Ngăn ngừa tái phát nhờ cung cấp thông khí tai giữa
Rạch màng nhĩ và hút dịch chỉ đạt được 2 mục đích đầu còn chích rạch màng nhĩ có đặt ống thông khí sẽ đạt được cả ba mục đích trên.
Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt ống:
+ Chảy tai (tỷ lệ chảy tai sau đặt ống từ 10 - 50%);
+ Tắc ống: ống có đường kính càng nhỏ, càng dài thì càng dễ tắc, trẻ có cơ địa ráy tai nhiều, khi tắc cần phải làm thông trở lại;
+ Thủng nhĩ sau rớt ống;
+ Xơ nhĩ sau đặt ống: tỷ lệ khoảng 19%;
+ Ống không tự rớt: nếu sau 2 năm ống không tự rớt thì phải lấy ống ra.
Bs CKI HỒ NGỌC HIẾU
Trưởng khoa Tai-mũi-họng, BV Hoàn Mỹ, Đà Nẵng