.

Xây dựng mô hình "bệnh viện không giấy"

.

Bệnh nhân sẽ không phải vất vả ngược xuôi làm đi làm lại các khâu thủ tục khi đến khám, chữa bệnh, không phải căng mắt đọc những dòng chữ loằng ngoằng của các bác sĩ kê đơn thuốc; các y tá cũng không phải mất thời gian cất giữ hay lục tìm hồ sơ bệnh án khi cần… Đó là nhờ việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) trong y học đã giúp giảm rất nhiều thời gian, công sức của bác sĩ cũng như bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh.

Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh giúp các bác sĩ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân hơn. (Ảnh chụp tại Trung tâm Bác sĩ gia đình)
Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh giúp các bác sĩ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân hơn. (Ảnh chụp tại Trung tâm Bác sĩ gia đình)

Nhanh gọn và tiện lợi

Là bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Bác sĩ gia đình từ năm 1997, đến nay hồ sơ của ông Đặng T. (tỉnh Quảng Nam) vẫn được lưu trữ tại hệ thống phần mềm của trung tâm. Chỉ vài thao tác máy đơn giản, bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm, biết được ông T. đến khám tại đây 684 lần, 84 lần làm các xét nghiệm… Hồ sơ bệnh án của ông T. được ghi rõ ràng, chi tiết, các loại thuốc ông T. đã uống cũng được lưu trữ riêng từng ngày.

Theo bác sĩ Trần Hùng, ngay từ những ngày mới đi vào hoạt động chuyên môn (năm 1997), Trung tâm đã sử dụng các phần mềm quản lý để lưu trữ và nhập dữ liệu nên khi bệnh nhân đến khám sẽ được tiếp đón, khai báo các thông tin hành chính cơ bản và nhanh chóng có được phiếu khám từ trang chính của phần mềm. Nếu tái khám, bệnh nhân chỉ cần cung cấp tên và một số thông tin sơ lược là có thể tìm thấy bệnh án của mình trước đó.

Quá trình theo dõi tiến triển bệnh của một hồ sơ bệnh nhân cũng được phần mềm lưu trữ và trình bày trực quan, do đó các bác sĩ dễ dàng theo dõi và điều trị nhờ nắm bắt nhanh thông tin về bệnh, các toa thuốc đã kê của các đợt khám trước. Như vậy, việc điều trị và tầm soát cho bệnh nhân sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn rất nhiều. Bệnh nhân thực hiện khám xong các lâm sàng và cận lâm sàng sẽ nhận được phiếu kết quả khám bệnh, phiếu này cung cấp thông tin tổng hợp cho cả đợt khám. Bệnh nhân có thể nắm bắt nhanh tình trạng bệnh do được cung cấp thông tin các tóm lược quan trọng cũng như nhận được lời khuyên và hướng dẫn điều trị hợp lý.

Cùng với việc quản lý hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân, phần mềm “toa thuốc điện tử thông minh” sẽ giúp tránh được nhiều sai sót. Các toa thuốc này đều được soạn thảo và in rất nhanh. Trong trường hợp thay đổi thuốc, các tên thuốc trùng hoạt chất, trùng họ trị liệu hay tương tác có hại thì ngay lập tức hệ thống sẽ khuyến cáo để các bác sĩ lưu ý. Một trong những điều khiến bác sĩ Hùng tâm đắc nhất là phần mềm chuyên môn được dùng để đánh giá các nguy cơ tim mạch trong tương lai có thể xảy ra đối với bệnh nhân như suy tim, đột quỵ, rung nhĩ… Phần mềm sẽ in ra một phiếu “đánh giá”, phiếu này tự đưa ra lời khuyên, tùy theo mức độ tiên đoán, do vậy bệnh nhân sẽ được tư vấn cụ thể hơn cho tình trạng sức khỏe của mình. Đây là một cảnh báo quan trọng giúp bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Cần có sự đồng bộ

Việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế nhiều nước trên thế giới đã triển khai từ lâu. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, chỉ số ứng dụng CNTT của ngành y tế đang ở mức thấp, chỉ khoảng 10% phòng khám, bệnh viện tại Đà Nẵng dùng phần mềm quản lý, nhưng những phần mềm này chưa phải chuyên biệt dành cho ngành y tế; các dịch vụ y tế còn thủ công, chưa có sự kết nối giữa các bệnh viện hoặc có sử dụng nhưng chưa đồng nhất, do đó các bác sĩ vẫn phải tốn rất nhiều thời gian trong các khâu thủ tục hành chính.

Nhận rõ tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong y học, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã cử người đi học ở Bệnh viện Y học cổ truyền Lâm Đồng về triển khai tại bệnh viện từ tháng 10-2013. Bước đầu đã làm được bệnh án điện tử của bệnh nhân, các thông tin nhập liệu về thuốc của các khoa, bảo hiểm y tế và quyết toán viện phí, báo cáo diện bệnh theo mẫu…

Theo ThS, BS Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, việc ứng dụng các phần mềm CNTT giúp bệnh viện dễ dàng quản lý được tình hình bệnh nhân cũng như tình trạng thuốc của bệnh viện, nâng cao chất lượng y tế cộng đồng, đồng thời giảm được tình trạng quá tải, giúp các bác sĩ có thêm thời gian quan tâm, chăm sóc cho bệnh nhân, tránh được sự không hài lòng của bệnh nhân phải chờ đợi mỗi khi tới khám, chữa bệnh.

Anh Phạm Hồng Hà, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Cung cấp giải pháp và công nghệ cao Việt Nam (HSP) tại Đà Nẵng cho biết, HSP đang hướng đến việc cung cấp phần mềm quản lý y tế cho các bệnh viện, phòng khám ở Đà Nẵng. Mới đây, HSP đã khảo sát xong ở Bệnh viện Giao thông vận tải, Trung tâm Y tế Hải Châu và chọn Bệnh viện Y học cổ truyền là đơn vị làm thí điểm đầu tiên. Công ty HSP sẽ hỗ trợ cho Bệnh viện Y học cổ truyền các phần mềm quản lý khám bệnh, tạo mã bệnh nhân thông minh… từng bước áp dụng phần mềm hệ thống quản lý bệnh viện (IMC), giúp giảm thời gian cho các bác sĩ khi làm thủ tục tư vấn cho bệnh nhân đến khám, áp dụng đơn thuốc thông minh, phân luồng bệnh nhân xếp hàng tự động…

Như vậy, việc ứng dụng CNTT trong y học là điều cần thiết, tuy nhiên cần có sự đầu tư, ứng dụng thống nhất để mang lại hiệu quả lâu dài trong công tác y tế cũng như chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Bài và ảnh: CAO MINH

;
.
.
.
.
.