.

Yêu cầu tăng cường phòng chống tiêu chảy cấp

.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát thành dịch và hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, ngày 31-7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa.

Vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh. Ảnh minh họa
Vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh. Ảnh minh họa

Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp tại địa bàn.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như xử lý rác thải, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; đảm bảo an toàn thực phẩm như vệ sinh ăn uống, thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, thường xuyên rửa tay với xà phòng,... theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng tăng cường các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch tới các khu vực dân cư, đặc biệt là các khu di dân, khu ở tạm, khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém, khu vực trước đây đã ghi nhận các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả; đảm bảo duy trì nồng độ clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.

Đặc biệt, Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, tập trung vào bệnh tiêu chảy cấp nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch không để bùng phát.

Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, sẵn sàng cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy cấp, sắp xếp khu vực điều trị riêng, đảm bảo thực hiện tốt việc phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong…

Bộ Y tế có yêu cầu trên bởi năm 2014, dịch tả diễn biến phức tạp tại một số nước như Nam Sudan, Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico. Riêng tại Nam Suda, từ tháng 5/2014 đến nay đã có ít nhất 2.340 trường hợp mắc và 63 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, vụ dịch tả gần đây nhất xảy ra vào năm 2007-2009 tại 24 tỉnh, thành phố sau 6 năm liền không ghi nhận ổ dịch. Mặc dù hiện nay không ghi nhận ổ dịch tả trên phạm vi cả nước, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, nước ta cũng đã bắt đầu ghi nhận một số ổ dịch tiêu chảy cấp do E.coli, nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiện đang là tháng cao điểm mùa hè, bão lụt liên tục xảy ra, trong khi đó điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn hạn chế, việc vệ sinh cá nhân, thói quen phòng bệnh của người dân còn chưa cao, việc giao lưu đi lại thuận tiện giữa các nước trên thế giới nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa xảy ra, trong đó đáng chú ý là bệnh tiêu chảy cấp, đặc biệt là đối với bệnh tả.

HNM

;
.
.
.
.
.