Số trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) liên tục tăng lên hằng tuần tính từ cuối tháng 7 đến nay và dự báo bước vào tháng 9 là thời điểm bắt đầu đỉnh dịch thứ hai trong năm.
Giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi và bảo đảm môi trường sống sạch sẽ là yếu tố quan trọng để hạn chế bệnh. Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Công Cảnh khám cho bệnh nhi tay-chân-miệng. (Ảnh chụp sáng 13-8-2014) |
Từ bệnh dịch thành... bệnh thường xuyên
TCM là dạng bệnh dịch, trước đây bệnh xuất hiện theo chu kỳ. Tuy nhiên, hiện nay bệnh TCM rất khó kiểm soát vì không tồn tại theo quy luật cụ thể nào. Bệnh gần như xuất hiện quanh năm và nổi lên nhiều trong hai đợt (đợt một từ tháng 3 đến tháng 5; đợt hai từ tháng 9 đến tháng 11).
Tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sáng 13-8, có 120 trẻ đang nằm điều trị TCM. Bác sĩ Nguyễn Công Cảnh, Trưởng khoa cho biết, trẻ mắc bệnh chủ yếu ở cấp độ 2A và 2B1 (bệnh có các cấp độ nặng dần từ 1 đến 4). Một số trẻ bị lại lần hai, lần ba, thậm chí mắc lại chỉ sau một tuần vừa dứt bệnh. So với các tháng trước, số trẻ nằm viện một lúc chỉ khoảng 20-30 ca, nay đã tăng lên rõ ràng hơn và ngày một tăng.
Trên toàn thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có 620 ca bệnh. Số trẻ bị TCM liên tục tăng hơn 10 trẻ/tuần trong hai tháng qua. Bác sĩ Cảnh cho hay, gần như cứ sau mùa hè thì TCM lại bùng phát. Bệnh liên quan trực tiếp đến yếu tố môi trường nên khi gặp kiểu thời tiết mưa và nắng đan xen gây nóng, ẩm rất thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
Thăm bệnh: Thương hay hại?
Mặc dù khu vực điều trị TCM được mặc định là nơi “không phận sự miễn vào” vì dễ lây nhiễm, nhiều bảng cảnh báo cũng được niêm yết tại đây nhưng người nhà bệnh nhân vẫn ra vào và còn dẫn theo cả trẻ em khi đi thăm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Công Cảnh chia sẻ: Người nhà vì thương bệnh nhân nên rất muốn đến thăm. Nhưng đối với bệnh lây thì cần phải rạch ròi giữa thương và hại, vì có thể vô tình lần đến thăm đó lại mang vi khuẩn gây bệnh về lây cho cộng đồng hoặc chính người nhà. Một số phụ huynh còn dẫn trẻ nhỏ đi theo… mà không hề ý thức rằng đang đưa trẻ vào khu vực nguy hiểm. Bất kể sự va chạm, tiếp xúc nào trong khu lây đều có thể là nguyên nhân lây chéo bệnh dịch.
Thế nhưng, giờ thăm bệnh, nhiều gia đình với đầy đủ ông bà, cha mẹ, cháu con tụ họp nói cười, thoải mái ăn uống. Điều này là một trong những nguyên nhân vì sao dịch không thể dứt mà cứ tồn tại dai dẳng trong cộng đồng. Bác sĩ Cảnh cho biết, virus sống trong phân của người bệnh rất lâu, thậm chí tồn tại đến 6 tháng, nên cứ sơ hở trong khâu giữ gìn vệ sinh cá nhân là người từng mắc bệnh hoàn toàn có thể mắc lại.
Một lưu ý đối với người nhà thăm bệnh, sau khi từ khu lây trở về nên ngâm, giặt quần áo riêng, không được giặt chung với quần áo người khác; đồng thời tắm rửa bằng xà phòng diệt khuẩn để hạn chế nguồn lây bệnh.
Từ tháng 9, toàn bộ trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã, phường. Bên cạnh đó, từ tháng 9-2014 kéo dài đến tháng 2-2015, trẻ từ 1-14 tuổi sẽ được tiêm vaccine MR (ngừa bệnh sởi và rubella). |
Bài và ảnh: THU HOA