.
Câu chuyện dân số

Lo chuyện "đầu ra" của con

.

Để con mau lớn, nhiều bà mẹ chịu khó sưu tầm các món ăn dinh dưỡng, mát ruột dành cho trẻ nhỏ. Nhưng khổ nỗi, không ít bé ăn ngoan theo yêu cầu của mẹ, nhưng “đầu ra” lại rất kém, tức ăn kiểu gì bé cũng táo bón kéo dài.

Con “bí”, mẹ cũng “bí”

Chị Châu (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đưa con trai gần 3 tuổi ra biển tắm, nhưng trên tay luôn khư khư chai nước lọc để liên tục thúc ép bé uống. Chị tâm sự, bé sinh ra được 4kg, rất bụ bẩm, thậm chí trông tròn trịa hơn hẳn những bé ra đời cùng thời điểm đó. Vậy mà đến nay, bé lại thua các trẻ khác cùng tuổi cả về chiều cao lẫn cân nặng, nhất là bé trông gầy yếu, xanh xao. Như được chia sẻ nỗi niềm suốt bao năm chăm con… táo bón, chị Châu giải bày: Không hiểu sao bé lại “đi” rất khó khăn.

Và hậu quả là mỗi lúc đi ngoài bé lại bị chảy máu. Nhìn con, chị xót xa trong lòng, nhưng thật sự bản thân chị thấy mình đã cố hết cách. Biết món nào giúp nhuận trường là chị lại làm cho con. Thậm chí, chị pha cả nước rau hoặc khoai lang vào sữa để bé uống. Các loại trái cây được thêm vào trong bữa ăn hằng ngày. Ngay cả lúc ra biển tắm thế này, mẹ cũng không quên tiếp nước cho con.

Đồng thời, chị Châu còn mua nhiều loại “WC cho bé” với đủ màu sắc, kiểu dáng ngộ nghĩnh để con hào hứng với việc đi vệ sinh. Vậy mà đáp lại nỗ lực của mẹ là chuyện “bí” của bé không hề thuyên giảm. Cứ ngồi vào bô chừng 1 phút là bé lại đòi đứng lên rồi nín suốt vài ngày sau.

Lo cho con nên dù bé đã đủ tuổi ra trường mầm non, chị Châu vẫn không dám để bé đi học. “Ở nhà với mẹ thế này còn không xong nữa, làm sao đi học tập thể được”, người mẹ lo lắng nói.

 “Đồ mát” có khi gây... táo bón!

Bác sĩ Lê Văn Tầm, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết: Trẻ táo bón kéo dài, mỗi lần đi ngoài lại phải rặn nhiều nên gây trầy xước khiến bé bị chảy máu vùng hậu môn. Tình trạng táo bón ở trẻ em không hiếm gặp, tuy nhiên trầm trọng đến mức dẫn đến bệnh trĩ thì không phổ biến, bởi bệnh trĩ đa phần gặp ở người lớn. Việc chảy máu mỗi lần đi ngoài sẽ gây mất máu, chậm lớn, xanh xao ở trẻ. Đặc biệt, khi “đầu ra” kém thì trẻ cũng sẽ bị khó tiêu, ăn uống không ngon miệng.

Theo bác sĩ Tầm, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ táo bón, trong đó có lý do là mẹ ép con ăn quá nhiều… đồ mát. Bà mẹ nào cũng muốn con ăn nhiều, chóng lớn. Nhất là trong thời đại phụ nữ tiếp nhận nhiều thông tin tư vấn từ sách, báo, Internet nên kiến thức dinh dưỡng có vẻ đầy lên. Tuy nhiên, cho con ăn với liều lượng bao nhiêu cần phải được cân nhắc. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, ép trẻ ăn vô tình làm hỏng đường tiêu hóa ở giai đoạn đầu đời. Không phải cứ uống nhiều sữa là bổ, vì sữa cũng là một trong những tác nhân gây táo bón ở trẻ, càng không phải ăn thật nhiều rau, nhiều trái cây thì tốt cho trẻ. Nếu đứa bé có biểu hiện phát triển thể chất bình thường thì cha mẹ nên cho con ăn uống điều độ, vừa phải.

Đối với các bé được bảo đảm về dinh dưỡng nhưng vẫn táo bón, theo bác sĩ Tầm, có thể nguyên nhân từ thói quen vệ sinh hằng ngày. Đi ngoài đúng giờ, đều đặn là liệu pháp rất hiệu quả. Cha mẹ phải tạo cho con thói quen cứ đến giờ đó là ngồi bô hoặc vào toilet. Với các bé hay nín nhiều ngày, việc táo bón là hiển nhiên dù bé có ăn uống bổ dưỡng cỡ nào.

Khi bé không cải thiện được tình trạng táo bón, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và dùng thuốc hỗ trợ.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.