Từ chỗ tự ti, giấu giếm và buồn bã khi con mình là trẻ khuyết tật, nay các ông bố, bà mẹ đã trở thành... “bác sĩ” giúp con dần hồi phục. Điều đó có được từ sau khi họ tham gia Dự án giúp trẻ khuyết tật do Cơ quan viện trợ Ireland (Irish Aid) tài trợ.
Cha mẹ của trẻ khuyết tật tự tập cho con ở nhà sau khi tham gia dự án giúp trẻ khuyết tật tại Đà Nẵng. |
“Bác sĩ” của con
Từ khi bé Nguyễn Đình Bảo Long chào đời, chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng (32 tuổi, ở quận Cẩm Lệ) như đứt từng khúc ruột vì bác sĩ bảo thể trạng của bé rất yếu và không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Bé không thể bú sữa mẹ nên sức đề kháng càng kém. Nhìn con, chị Phượng bi quan, lúc nào cũng muốn khóc. Khi được các cán bộ Dự án giúp trẻ khuyết tật đến tư vấn, giúp đỡ, chị từ chối: “Bé đã thế rồi, cố gắng cũng chưa chắc được gì đâu. Có lẽ đành cam phận thôi!”.
Thế nhưng, sau khi được thuyết phục, chị Phượng đồng ý tham gia các hoạt động của dự án. Chị không những được hướng dẫn và cùng tham gia chăm sóc, luyện tập cho bé Long mà còn được tăng cường kỹ năng xử trí các vấn đề và tương tác với bé nhiều hơn. Nhờ vậy, đến 13 tháng tuổi, bé biết giơ tay đòi mẹ. Bây giờ 25 tháng tuổi, bé biết gọi “ba ba”, “má má” và vịn vào thành giường để đi từng bước bằng đôi chân yếu ớt. “Mình mừng quá. Không ngờ chính mình lại có thể giúp con đứng dậy. Chỉ mong con hồi phục sớm để được đi học như bao đứa trẻ khác”, chị Phượng xúc động.
Năm qua, 118 trẻ khuyết tật tại quận Cẩm Lệ đã được phát hiện các dạng tật, trong đó có 38 trường hợp tham gia phục hồi chức năng và 89 trường hợp được giáo dục đặc biệt. Tất cả các hoạt động hỗ trợ này đều hoàn toàn miễn phí. “Việc chấp nhận con là trẻ khuyết tật và cần sự can thiệp giúp đỡ từ cộng đồng thật sự là sự thay đổi lớn trong nhận thức của nhiều phụ huynh. Thực tế cho thấy, khả năng hồi phục tích cực của bé tỷ lệ thuận với sự hợp tác của cha mẹ. Cha mẹ hợp tác tốt thì trẻ khuyết tật có biểu hiện hồi phục tích cực hơn. Việc can thiệp sớm còn làm giảm gánh nặng về tài chính của gia đình trong việc chữa trị và chăm sóc trẻ khuyết tật”, ông Trần Ngọc Duật, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, kiêm Phó ban điều hành dự án nói.
Ông Duật cũng cho biết, ban đầu, nhiều gia đình từ chối hợp tác nhưng sau khi hiểu những lợi ích mang lại cho trẻ, chính họ là những người tham gia nhiệt tình nhất.
Can thiệp sớm, hiệu quả cao
Dự án “Nâng cao năng lực của mạng lưới chăm sóc sức khỏe trong dự phòng và phát hiện sớm khuyết tật trẻ em” dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi được thí điểm tại quận Cẩm Lệ từ năm 2012-2014. Dự án do Irish Aid tài trợ, Viethealth và Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do khuyết tật gây ra thông qua đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, can thiệp sớm dị tật bẩm sinh, khuyết tật trẻ em cho mạng lưới nhân viên y tế và cha mẹ trẻ khuyết tật. Sau 3 tháng tập huấn, cha mẹ trẻ khuyết tật đã có thể tự tập cho trẻ tại nhà và đạt kết quả tích cực.
Theo khảo sát, với sự phối hợp của cán bộ dự án và cha mẹ, hơn 70% trẻ sau khi tập luyện tại nhà đã có thể phát triển vận động như mong đợi. Trước đây, phụ huynh muốn can thiệp phục hồi chức năng cho con phải đến Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng hoặc Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng thì nay có thể cho trẻ tự tập tại nhà.
Chính việc can thiệp sớm và can thiệp ngay từ trong gia đình đã giúp ích rất nhiều cho trẻ khuyết tật. Đồng thời, việc can thiệp sớm còn giúp phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ và những thông tin liên quan cùng dịch vụ cho trẻ tại cộng đồng. “Chúng tôi mong muốn mô hình dự án được nhân rộng trên toàn thành phố Đà Nẵng để ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật được phục hồi và hòa nhập cộng đồng”, ông Lê Quang Dương, đại diện Viethealth bày tỏ.
Bài và ảnh: KIM NGÂN