Nếu có một ca bệnh Ebola đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng, ngành y tế địa phương sẽ phản ứng như thế nào? Đó là nội dung cuộc họp khẩn do Sở Y tế Đà Nẵng chủ trì với sự tham gia của giám đốc tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố vào sáng 12-8.
Hành khách quốc tế tại cửa khẩu và cộng đồng đều cần được giám sát lịch trình trước khi đến Đà Nẵng. |
Tính đến hôm qua (12-8), số người mắc Ebola tập trung tại 4 nước Tây Phi là 1.848 ca, trong đó 1.013 người tử vong. Số bệnh nhân tăng lên mỗi ngày và tỷ lệ tử vong cao đã đặt dịch bệnh Ebola ở mức độ cảnh báo khẩn cấp toàn cầu. Mặc dù châu Á chưa ghi nhận ca dương tính Ebola (một trường hợp nghi ngờ tại Hong Kong cho kết quả xét nghiệm âm tính) nhưng Đà Nẵng - Việt Nam vẫn phải đặt nhiều tình huống giả định để phòng chống Ebola, bởi mỗi ngày lượng khách quốc tế nhập cảnh vào thành phố ước đạt trên 1.000 người.
Bệnh viện nào chủ công điều trị Ebola?
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng chưa có chỉ đạo chính thức về việc bệnh viện nào trên địa bàn sẽ là đơn vị chính và đầu tiên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola (nếu có). Trách nhiệm thu dung bệnh không loại trừ bệnh viện tuyến đầu, tuyến cuối hoặc bệnh viện tư. Tuy vậy, lãnh đạo Sở đang xem xét giữa Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng để chọn lựa đầu mối thu dung, điều trị bệnh dịch này, bởi đây là hai bệnh viện lớn, có khoa Truyền nhiễm và Khu lây. Bên cạnh đó, cả hai đơn vị đều có kinh nghiệm qua những lần xử lý dịch lớn như: SARS, H5N1, H7N9.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, đơn vị sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của ngành, đặc biệt dành riêng một khu trong toàn bộ Khu lây để phục vụ bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, bệnh viện với trang thiết bị và chuyên môn phục vụ tốt bệnh nhi hơn các đối tượng bệnh khác. Trong khi đó, với đặc thù của Ebola là gây suy đa tạng, cần cơ sở đa khoa với đầy đủ máy móc điều trị mọi lứa tuổi và đa chứng bệnh. Theo đó, Bệnh viện Đà Nẵng nhiều khả năng sẽ trở thành cơ sở y tế chủ chốt tiếp nhận và điều trị dịch bệnh này. Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cũng xác định trách nhiệm thuộc về đơn vị mình nên đã chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Vấn đề tiếp theo được đặt ra hiện nay là cần xác định một quy trình thống nhất cho toàn bộ quá trình, từ phát hiện bệnh nhân đến lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển cách ly, di chuyển tới cơ sở điều trị để lực lượng hải quan và y tế có thể phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt tránh lây nhiễm chéo.
Nóng chuyện phương tiện bảo hộ
Trong đợt dịch Ebola này đã có 100 cán bộ y tế trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó hơn 70 người tử vong. Những con số này làm những người trong ngành y lo lắng. Làm thế nào để bảo đảm việc dập dịch nhưng vẫn an toàn tính mạng cho nhân viên y tế, đó cũng là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại cuộc họp sáng qua.
Thực tế đáng lo ngại hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, từ đơn vị lấy mẫu, khử trùng ổ dịch như Trung tâm Y tế dự phòng đến đội cấp cứu 115 và các bệnh viện điều trị đều không có quần áo bảo hộ không thấm nước. Đó là phương tiện bắt buộc trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh như Ebola (virus lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể như phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch).
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng còn nêu thực trạng: không phải cán bộ y tế là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân mà chính nhân viên bộ phận xuất nhập cảnh là người đầu tiên cầm hộ chiếu của hành khách nên nguy cơ lây bệnh rất cao. Tuy nhiên, đến nay, các nhân viên ở những bộ phận này vẫn chưa được trang bị bất kỳ phương tiện phòng hộ nào, kể cả găng tay y tế. Đặt tình huống máy bay hoặc tàu biển đã chở khách nhiễm Ebola, công tác khử trùng phương tiện vận chuyển sẽ như thế nào? Theo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, hiện Trung tâm chưa có hóa chất khử trùng máy bay. Trung tâm Cấp cứu thành phố (115) cũng cho rằng, cái khó hiện nay là đã có hai xe chuyên dụng dành riêng trong điều kiện có bệnh dịch nhưng xe sẽ được khử trùng thế nào, khu vực khử trùng tại đâu thì vẫn chưa rõ.
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế, tất cả các vấn đề thực tế đặt ra sẽ được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố tiếp tục giải quyết, trong đó ưu tiên đầu tư trang phục phòng hộ cho nhân viên y tế và các bộ phận liên quan; đồng thời đề xuất UBND thành phố mua sắm một hoặc một vài máy móc bảo đảm nhu cầu tối thiểu điều trị Ebola cho bệnh viện nhận nhiệm vụ chủ chốt trong đợt dịch này.
Cần “xem lại” khu cách ly tại sân bay Đà Nẵng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng cho biết, nếu hành khách đi qua Cảng hàng không quốc tế có dấu hiệu mắc bệnh hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Ebola sẽ được đưa vào phòng cách ly y tế tại sân bay. Song, cách ly không có nghĩa là “nhốt” hành khách. Do đó, phòng cách ly này phải phù hợp về mặt chăm sóc y tế, đồng thời thể hiện sự tiếp đón lịch sự, bảo đảm chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt đối với hành khách quốc tế. Cần có sự bố trí phòng cách ly phù hợp hơn tại sân bay Đà Nẵng. |
Bài và ảnh: THU HOA