Để chủ động phòng, chống dịch Ebola, trong cuộc họp chiều 20-8 với Sở Y tế, Cảng hàng không quốc tế Sân bay Đà Nẵng, Cục Hải quan và Cảng Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ thống nhất mua 2 máy siêu lọc máu, 2 máy tuần hoàn ngoài cơ thể và 1 camera đo thân nhiệt trong thời gian sớm nhất.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola qua số bệnh nhân tại châu Phi tăng liên tục mỗi ngày, với trên 2.200 người mắc hiện nay, khả năng lây nhiễm bệnh sẽ không từ bất cứ khu vực nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Y tế đã lên nhiều phương án giám sát hành khách quốc tế tại các cửa khẩu và trong cộng đồng, đặc biệt trang bị đủ phương tiện phòng hộ và máy móc điều trị dịch.
Trẻ em và người lớn được điều trị riêng
Đặt trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm Ebola trên địa bàn thành phố, Bệnh viện Phụ sản-Nhi sẽ có nhiệm vụ thu dung, điều trị trẻ em; trong khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc đối tượng người lớn. Tuy nhiên, từ ca bệnh thứ 36 trở lên, tức vượt qua khả năng tiếp nhận của hai cơ sở y tế trên, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng sẽ trở thành khu dã chiến điều trị bệnh dịch này.
Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng và Phụ sản-Nhi cho biết, bệnh nhân Ebola sẽ được tiếp nhận, cách ly và điều trị theo quy trình một chiều, tránh tối đa nguy cơ lây chéo. Theo đó, mỗi bệnh nhân nằm một phòng, mọi hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, chụp X-quang đến chăm sóc dinh dưỡng đều thực hiện ngay giường bệnh. Khó khăn hiện nay của bệnh viện là thiếu máy tuần hoàn ngoài hô hấp, một thiết bị rất cần thiết trong điều trị Ebola. Bởi virus Ebola gây suy đa tạng nên cần có thiết bị hỗ trợ trong trường hợp tim, phổi bị tổn thương. Bên cạnh đó, tại Đà Nẵng, hiện chỉ có hai bệnh viện lớn trên có máy siêu lọc máu. Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng trong tình hình có dịch.
Đà Nẵng chưa phát hiện hành khách nghi ngờ
Ngoài công tác chuẩn bị phương tiện điều trị, thành phố Đà Nẵng còn tập trung giám sát khách quốc tế tại hai cửa khẩu. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho biết, mỗi ngày có hơn 1.000 khách nhập cảnh vào Đà Nẵng. Trong 10 ngày qua, đã có 15.321 hành khách đến sân bay quốc tế và 139 khách cập cảng Đà Nẵng. Lưu lượng khách quốc tế lớn, nhưng trung tâm chỉ có một camera đo thân nhiệt loại hiện đại nên khó kiểm soát vấn đề sức khỏe của những người từ nước ngoài vào Đà Nẵng. Dù tới nay, chưa có hành khách phải thực hiện khai báo y tế, vì chưa có ai đã đi qua vùng dịch trong vòng 21 ngày trước khi đến Đà Nẵng, nhưng công tác kiểm dịch y tế luôn được thực hiện 24/24 giờ.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Y tế rà soát việc mua sắm trang thiết bị để bảo đảm trong tình hình có dịch, nhưng không gây lãng phí. Nếu cần thiết, thành phố sẽ điều động sự tham gia của toàn bộ các bệnh viện tư, những nơi có phương tiện hiện đại để phối hợp với Bệnh viện Đà Nẵng và Phụ sản-Nhi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch.
TOÀN VÂN