Có bệnh và được điều trị tại khoa Lão là mong ước của các bệnh nhân lớn tuổi. Đối với người cao tuổi trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, ước mong này phần nào trở thành hiện thực khi khoa Lão tại Trung tâm Y tế (TTYT) quận được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2014. Đặc biệt, đây là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoa Lão.
Bà Phan Thị Sương (72 tuổi) được nhân viên điều dưỡng hỗ trợ việc uống thuốc tại khoa Lão, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. |
Khoa Lão như một gia đình
Nằm điều trị tại khoa Lão hơn một tuần nay, bà Kỷ (64 tuổi, phường Hòa Hải) và bà Thủy (67 tuổi, phường Hòa Quý) như trở thành bạn thân từ lâu lắm rồi. Bà Thủy, bệnh nhân rối loạn tim mạch, cho biết, người già hầu như quanh năm phải đến bệnh viện, thậm chí ở viện nhiều hơn ở nhà, nhưng nếu trước đây, người già, người trẻ nằm chung với nhau khá bất tiện, thì nay bệnh nhân cao tuổi được nằm riêng ở khoa Lão. Nhờ vậy, bà cảm thấy vui hơn khi quanh mình là những bệnh nhân cùng trang lứa, cùng tâm tư tình cảm và kể cả cùng kiểu bệnh để có thể chia sẻ mọi điều với nhau.
Trong cảm nhận của bà Thủy, khoa Lão như một gia đình. Hướng qua người bạn mới, nằm giường bên, bà Thủy nói: “Có khi tôi pha giùm bà ấy ly nước, lúc khác bà đi lấy cháo từ thiện giúp tôi. Sau giờ điều trị, chị em còn nằm tâm sự với nhau hết chuyện này đến chuyện khác. Nói chung là tinh thần được khoây khỏa”. Điều khiến bà Thủy thấy ấm áp khi ở đây là: “Chúng tôi được chăm sóc từ việc nhỏ, như điều dưỡng đến tận giường cho uống thuốc vì sợ người già hay quên và uống thuốc dễ mắc nghẹn”.
Cũng như bà Thủy, bà Kỷ bị thoái hóa cột sống 5 năm nay nên thường xuyên ra vào bệnh viện. Theo bà Kỷ, ở nơi chỉ dành riêng cho người lớn tuổi, không khí yên tĩnh hơn hẳn. “Không phải nghe tiếng trẻ con khóc, không thấy cảnh trai gái nói chuyện xôn xao, không có chuyện bật điện thoại, ti-vi xem bóng đá ồn ào. Hơn nữa, nếu nóng quá còn được yêu cầu bật máy lạnh cho mát”, bà Kỷ vừa kể vừa chỉ chiếc máy điều hòa duy nhất chỉ riêng khoa Lão được ưu tiên lắp đặt so với tất cả các khoa còn lại. “Chữa bệnh phải như ri mới mau khỏe”, bà Kỷ nói.
Không có lợi nhuận vẫn muốn làm
Để người bệnh cao tuổi cảm thấy thoải mái, đội ngũ y bác sĩ tại TTYT quận Ngũ Hành Sơn cũng phải học hỏi từ kiến thức điều trị đến tâm lý tiếp cận bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Quang Duy, Trưởng khoa Lão cho hay: “Chẩn đoán bệnh và kê toa thuốc cho người cao tuổi lắm lúc giống như làm toán. Bởi người già thường mắc ít nhất 3 bệnh cùng lúc.
Có bác mang trong người tới 6 bệnh liền như vừa thoái hóa cột sống, vừa rối loạn tuần hoàn não, suy nhược cơ thể, viêm dạ dày, tăng huyết áp và tiểu đường. Vì vậy, bác sĩ phải tính toán điều trị bệnh chính, bệnh phụ sao cho hợp lý. Kẻo không, uống thuốc cho cột sống nhiều quá làm dạ dày vốn đã bị viêm và đang trên đà lão hóa trở nên quá tải thì càng tệ hơn”. Bác sĩ Duy chia sẻ, ngoài kiến thức chuyên môn, cán bộ y tế phải để ý từng lời ăn tiếng nói như xưng “con” và “cô, bác” thay vì “tôi” và “bà” đối với bệnh nhân, vì người già dễ dỗi, dễ bị tổn thương và rất cần được quan tâm.
Khoa Lão có quy mô 20 giường, 2 bác sĩ, 9 điều dưỡng và 1 hộ lý. Qua hơn 7 tháng hoạt động, khoa thu dung 480 bệnh nhân. Điều đáng nói, 99% bệnh nhân có BHYT. Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc TTYT quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Dù xác định không có lợi nhuận, nhưng bệnh viện vẫn thực sự mong muốn thành lập khoa Lão, bởi thống kê cho thấy có đến trên 50% lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ngũ Hành Sơn qua các năm là người già. Người cao tuổi trên địa bàn quận chiếm tỷ lệ cao, với 6,3% dân số toàn quận. Không những thế, các cô bác ở đây hầu hết thuộc hộ gia đình chính sách hoặc người nghèo”.
“Khoa Lão tiếp nhận bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Hiện công suất sử dụng giường bệnh đạt 101%. Việc điều trị kết hợp tây y, đông y và phục hồi chức năng nhận được phản hồi tích cực từ bệnh nhân. Tuy vậy, để hoạt động đúng tiêu chuẩn của khoa Lão, chúng tôi gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến con người. Tôi mong ước người già vừa được điều trị, vừa kết hợp điều dưỡng, tức là bệnh nhân còn được rèn luyện sức khỏe ở sân vui chơi, phòng tập thể dục và được chăm sóc từng bữa ăn phù hợp bệnh lý”, bác sĩ Tài nói.
Bài và ảnh: THU HOA