.

Nhập nhằng kính thuốc

.

Theo thống kê của Sở Y tế thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng có trên 70 cơ sở dịch vụ kính thuốc, tuy nhiên, số cơ sở có giấy phép hành nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nên đến các cơ sở có chuyên môn để đo mắt và mua kính thuốc.  Trong ảnh: BS. CKII Lương Trọng Tường đo khúc xạ cho bệnh nhân.
Nên đến các cơ sở có chuyên môn để đo mắt và mua kính thuốc. Trong ảnh: BS. CKII Lương Trọng Tường đo khúc xạ cho bệnh nhân.

Tình trạng nhập nhằng giữa buôn bán kính thường và kính thuốc vẫn còn tiếp diễn, trong khi đó nhiều người cứ hễ thấy mắt nhìn không rõ là lập tức đi đến các cửa hàng này… cắt kính.

Hễ mắt nhòa là... mua kính

Một thực tế khá phổ biến hiện nay ở người lớn lẫn trẻ nhỏ là hễ có cảm giác mắt nhìn không rõ, xem ti-vi phải nheo mắt hay đọc sách báo nhanh mỏi mắt, “khổ chủ” lại đến các tiệm bán kính để đo mắt và có thể chọn mua một chiếc kính thuốc ngay tại đó. Mọi việc có vẻ dễ dàng, đơn giản.

Một bệnh nhân 60 tuổi vừa mổ cườm mắt cho biết, hai năm trước bà nhìn mọi thứ rất khó khăn, thậm chí nhìn mặt các con cũng bị nhầm đứa này sang đứa khác. Việc đọc chữ lại càng không thể. Vậy là bà đi đo mắt và chọn mua kính. Tới tiệm nào, người bán cũng đo đạc đủ kiểu, tuy vậy, dù với loại kính rẻ hay đắt tiền, bà mang vào đều thấy khó chịu hơn là sáng rõ.

Không ít lần người chồng động viên bà cố làm quen với kính vì cứ ngỡ do mang chưa quen nên không thấy thoải mái. Gần đây, bà đến bác sĩ chuyên khoa mắt khám và có ý định tiếp tục mua một chiếc kính thuốc khác thì được chẩn đoán là bị đục thủy tinh thể. Để đôi mắt của bà sáng tỏ hơn, bắt buộc phải phẫu thuật thay cườm mắt, không hề liên quan đến chuyện mang loại kính nào. Bà nói: “Biết vậy tôi khám đàng hoàng từ sớm chứ không tự ý đi mua kính thuốc như vậy”.

BS.CKII Lương Trọng Tường, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, cho biết từng gặp nhiều bệnh nhân chia sẻ câu chuyện tương tự. Một số người bị viêm giác mạc, viêm võng mạc, đục thủy tinh thể, bệnh Glocom nhưng đoán già đoán non rằng mình bị cận, viễn hoặc loạn thị nên tự đi mua kính thuốc về dùng.

Không có giấy phép vì yêu cầu quá cao?

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, có chuyện nhiều nơi kinh doanh kính thuốc nhưng rất ít nơi hoạt động đúng luật, tức có đầy đủ giấy phép hành nghề, là bởi yêu cầu của Bộ Y tế về quy định cấp phép không dễ thực hiện. Theo đó, người hoạt động lĩnh vực này muốn được cấp giấy phép hành nghề phải tốt nghiệp trung cấp y trở lên, đồng thời có thời gian thực tập về đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ ít nhất là 45 tháng.

Trong khi đó, thực tế Đà Nẵng chưa có trường lớp đào tạo y sĩ, điều dưỡng chuyên khoa mắt hoặc các chứng chỉ về dịch vụ kính thuốc (hệ trung cấp, cao đẳng). Thời gian thực hành đủ 45 tháng cũng là thử thách lớn. Sở đã có đề nghị lên Bộ Y tế cho phép các trường đại học, cao đẳng y tại địa phương mở các lớp đào tạo về dịch vụ kính thuốc. Từ đó mới mong giải quyết vấn đề đáp ứng nhân lực có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh kính thuốc.

Theo bác sĩ Lương Trọng Tường, người bệnh nếu đến những cơ sở dịch vụ mà người đo và bán kính không có chuyên môn sẽ gặp nhiều tác hại. Việc dựa hoàn toàn vào số liệu từ máy điện tử để cắt kính là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi thứ nhất, máy móc có xuất xứ khác nhau, chất lượng khác nhau nên mỗi nơi mỗi kiểu và đưa ra thông số khác nhau. Thứ hai, việc quan trọng bác sĩ phải làm trước khi đo mắt là khám xác định bệnh và sau đó là các bước đo thực tế và điều chỉnh sự phù hợp của mắt với kính. Số liệu từ máy tự động chỉ để tham khảo, không phải căn cứ chính kết luận đơn kính. Do đó, người kinh doanh kính thuốc rất cần được đào tạo chuyên môn để bảo đảm độ an toàn cho đôi mắt người bệnh.

Ngoài Bệnh viện Mắt, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoa mắt của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện 17, Bệnh viện tuyến quận, huyện và 25 cơ sở phòng khám chuyên khoa mắt; 6 phòng khám đa khoa có chuyên khoa mắt.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.