* Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola
Mặc dù theo quy định của Bộ Y tế, việc áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu quốc tế để chủ động phòng dịch Ebola sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-8, nhưng Đà Nẵng đã chính thức thực hiện tờ khai y tế tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ hôm qua (11-8).
Hành khách cẩn thận mang khẩu trang y tế khi di chuyển bằng phương tiện máy bay (Ảnh chụp tại Sân bay Đà Nẵng sáng 11-8). |
Đặc biệt lưu ý khách đi qua vùng có dịch
Chiều 11-8, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Đà Nẵng sẽ xem xét 4 tình huống liên quan đến dịch bệnh Ebola có thể xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, đó là tình huống dịch chưa xuất hiện (như hiện nay), dịch đã xuất hiện tại Việt Nam (nhưng chưa xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng), bệnh ghi nhận một vài ca tại Đà Nẵng và tình huống cuối cùng là dịch lan tràn. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố đã phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thực hiện việc giám sát khách nhập cảnh, đặc biệt đối với khách đã từng đi qua vùng có dịch. Chưa có chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Tây Phi và ngược lại, nhưng điều này không có nghĩa khách nước ngoài vào Đà Nẵng chưa từng đi qua những nước đang đối mặt với bệnh dịch.
Để giám sát nguy cơ lây lan virus Ebola, ngoài việc hành khách buộc phải đo thân nhiệt khi đi qua cửa khẩu, lực lượng Hải quan còn kiểm tra visa để xác định trước khi đến Việt Nam và vào Đà Nẵng, khách đã đi qua những khu vực nào trên thế giới. Trong trường hợp khách đã đi qua khu vực Tây Phi trước đó, nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố sẽ tiến hành lấy thông tin của hành khách thông qua tờ khai y tế.
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, nếu chỉ đo thân nhiệt sẽ rất khó phát hiện hành khách có mang virus Ebola hay không, vì thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày nên có thể khách có virus nhưng chưa phát sốt ngay. Vì vậy, dùng tờ khai y tế là giải pháp hiệu quả để khoanh vùng đối tượng có nguy cơ cao.
Để công tác chống lây nhiễm tại Cảng Hàng không quốc tế được thực hiện đúng quy trình, Sở Y tế đã có hướng dẫn việc thực hiện cách ly, chống nhiễm khuẩn ngay từ việc tiếp nhận tờ khai (đặt tình huống tờ khai có dính dịch tiết của hành khách mang bệnh), đến việc tổ chức phòng cách ly tại sân bay. Sở cũng đề xuất UBND thành phố mua thêm một máy đo thân nhiệt, bảo đảm đủ thiết bị phục vụ việc phòng dịch.
Thời gian ủ bệnh khó có thể lây bệnh
Có mặt tại Sân bay Đà Nẵng vào sáng 11-8 để đón khách quốc tế, chị Sương - một hướng dẫn viên du lịch tự do cho hay, công việc thường xuyên tiếp xúc với hành khách đến từ nhiều nơi trên thế giới nên trong thời điểm có nguy cơ lây lan bệnh trên toàn cầu, chị cảm thấy khá hoang mang. Vì không thuộc nhân viên của một công ty cụ thể nào nên chị không được hướng dẫn hay tập huấn những biện pháp bảo vệ an toàn khi tiếp xúc với khách trong giai đoạn có khả năng lây lan bệnh dịch.
Thông qua các phương tiện truyền thông, chị biết Ebola rất nguy hại vì dễ dàng lây từ người sang người. Theo chị Sương, những hướng dẫn viên như chị chỉ biết trông chờ vào sự kiểm tra, sàng lọc của hải quan ngay từ đầu vào, bởi khó xác định trước khi tiếp xúc với hướng dẫn viên, du khách đã đi và đến những nơi nào. Để tự bảo vệ, chị Sương nghĩ ra cách sẽ chuẩn bị bình cồn khô để rửa tay nhanh trong lúc làm việc.
Theo bác sĩ Kim Yến, bệnh Ebola ít có khả năng lây lan trong thời gian ủ bệnh. Tức là chỉ đến khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh ban đầu như sốt, thì lúc đó virus mới có thể lây lan. Tuy vậy, để chủ động phòng bệnh, những người thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế phải tăng cường các giải pháp đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, dùng các chất sát khuẩn.
Trong những ngày tới, việc giám sát đầu vào đối với hành khách không chỉ được thực hiện ngay tại sân bay (tức là lúc khách đã đến địa phận Đà Nẵng), mà sẽ mở rộng kiểm tra lịch trình của hành khách quốc tế trước khi đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thông qua sự phối hợp giữa Sở Y tế và các công ty lữ hành trong và ngoài nước.
Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola Chiều 11-8, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân tuyến thu dung, điều trị bệnh nhân, chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Hiện nay, phương án đặt ra khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ được chuyển về cơ sở điều trị cách ly có điều kiện tốt nhất để điều trị và kiểm soát ngay, hạn chế lây lan và giảm tử vong. Theo đó, tại phía Bắc là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; miền Trung là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa; miền Nam là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ. Các trường hợp nghi ngờ được phát hiện tại cửa khẩu nào thì chuyển về khu điều trị cách ly tại bệnh viện đa khoa của tỉnh đó. Đồng thời, Bộ Y tế đã có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân để phát cho những đối tượng có nguy cơ cao khi làm nhiệm vụ. Tạm dừng đưa khách du lịch đi 4 nước bùng phát dịch Ebola Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh do virus Ebola, Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách du lịch đến các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria); tăng cường quan tâm đến sức khỏe của du khách, thông tin đầy đủ cho khách du lịch về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định. Toàn ngành du lịch cần lưu ý việc thông tin đầy đủ về nguy cơ của dịch bệnh đối với hoạt động du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, có biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho du khách và bảo đảm an toàn, sức khỏe của nhân lực ngành du lịch. Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp cần thiết ứng phó với dịch bệnh. Các địa phương cũng cần cập nhật tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Ebola cùng các biện pháp phòng, chống để chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách du lịch, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thông qua con đường du lịch. Hiện nay, dịch bệnh do virus Ebola đã bùng phát trở lại tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là Guineria, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 6-8, đã có tổng cộng 1.779 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Ở khu vực Đông Nam Á cũng đã xuất hiện du khách có dấu hiệu nhiễm virus Ebola, do đó, nguy cơ loại dịch bệnh này xâm nhập Việt Nam là rất lớn. TTXVN |
Bài và ảnh: THU HOA