.

Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: "Đuối" nhân lực

.

Nguồn hàng nhập khẩu hằng ngày vào chợ đầu mối rất lớn nhưng việc kiểm tra, lấy mẫu thử rất ít, chỉ như muối bỏ biển. Bên cạnh đó, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn bị kêu khó bởi thiếu trầm trọng nhân lực chuyên trách lĩnh vực này.

Thực phẩm không chỉ là chuyện ăn, uống mà còn liên quan trực tiếp đến tính mạng và hạnh phúc của con người.
Thực phẩm không chỉ là chuyện ăn, uống mà còn liên quan trực tiếp đến tính mạng và hạnh phúc của con người.

Đó là những nội dung nổi bật được đề cập tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước về VSATTP 6 tháng đầu năm 2014 tại Sở Y tế thành phố Đà Nẵng vào chiều 31-7.

Lấy mẫu kiểm tra như muối bỏ biển

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN thành phố Đà Nẵng, sản phẩm rau củ quả hằng năm tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 70.000-80.000 tấn. Trong khi đó, diện tích trồng trọt tại Đà Nẵng hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Vì vậy, nguồn rau củ quả hiện nay phần lớn phụ thuộc vào hàng nhập từ hai đầu đất nước hoặc từ Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, rau củ quả có xuất xứ Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá lớn với trung bình mỗi ngày nhập về chợ đầu mối Hòa Cường 4,83 tấn rau củ (chiếm 9,15% trên tổng số hàng nhập về) và 14,12 tấn trái cây (chiếm 9,98%).

Theo ông Lê Công Hồ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN, ngược với lượng hàng nhập rất lớn như trên, việc lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) của nhóm hàng này lại quá thấp và càng về sau càng… ít. Cụ thể, năm 2012 có 94 mẫu được lấy phân tích; năm 2013 có 58 mẫu được kiểm tra và 6 tháng đầu năm 2014, ngành kiểm tra 7 mẫu.

Qua kiểm tra cho thấy sản phẩm nhiễm vi sinh vật (E.Coli) chiếm tỷ lệ cao (50-56%); dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không phát hiện hoặc có tồn dư nhưng trong giới hạn cho phép, không phát hiện kim loại nặng và chất bảo quản trong thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh thực tế, bởi số lượng mẫu thử chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi hàng nhập về lên tới hàng chục tấn mỗi ngày

Ông Lê Công Hồ cho rằng, bên cạnh lý do bị cắt giảm kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia ATTP thì hoạt động kiểm tra chất lượng mẫu rau củ quả gặp nhiều trở ngại từ việc cập nhật, bổ sung quy định về chất cấm, đến thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm. Thông thường phải đợi từ 5-10 ngày mới có kết quả mẫu thử, trong khi với từng này thời gian thì rau củ quả đã… vào dạ dày người tiêu dùng, nên việc lấy mẫu chỉ mang tính quan sát và không có tác dụng ngăn chặn tiêu thụ sản phẩm.

Sở NN&PTNN đề nghị UBND thành phố đầu tư một trạm giám sát ATTP tại chợ với các trang thiết bị kiểm tra nhanh, hiện đại để kịp thời cảnh báo với các cơ sở kinh doanh, cũng như hạn chế tối đa việc sử dụng rau quả không bảo đảm an toàn.

Không chỉ là chuyện ăn, uống…

Bên cạnh việc thiếu kinh phí, thiếu phương tiện kiểm tra mẫu thử, công tác quản lý ATTP còn gặp trở ngại thiếu nhân lực chuyên trách từ cấp thành phố đến cơ sở.

Ở cấp độ là người quản lý ATTP tại địa phương, ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cho biết công việc liên quan đến ATTP hầu như đều dồn xuống trạm y tế xã, phường, nơi chỉ có duy nhất một cán bộ quản lý ATTP và phải kiêm nhiệm nhiều việc. Lấy ví dụ từ chuyện tô bún bò, ông Chiến nói: Nếu phần bún thuộc Sở Công thương quản lý, phần thịt thuộc Sở NN&PTNN, nước thuộc trách nhiệm ngành y tế thì khi tô bún ấy xuống hè phố, nó sẽ được địa phương quản lý, nhưng không thể theo kiểu chia từng phần như thế; vì từ cấp quận trở xuống, cán bộ thường kiêm nhiệm và làm nhiều loại công việc khác nhau.

Theo các đại biểu, để quản lý ATTP tốt hơn, phải có con người thực hiện. Đó là đội ngũ được biên chế, tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, am hiểu lĩnh vực này. ATTP không chỉ là chuyện ăn, uống, mà hơn hết là liên quan trực tiếp đến tính mạng, hạnh phúc của con người. Hiện nay, hoạt động ATTP hầu như chỉ diễn ra rầm rộ trong tháng hành động, lễ, Tết, hoặc theo đợt nào đó trong năm thì khó bảo đảm được sự quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp cần làm liên tục, mạnh mẽ hơn lại bị đặt ngược câu hỏi: tiền đâu và người làm đâu(?).

Theo thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng qua, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Toàn thành phố đã thanh kiểm tra 4.258 cơ sở, số vi phạm là 675 cơ sở, chiếm 15,9%. Tổng số tiền phạt gần 337 triệu đồng.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.