Những ngày nắng nóng liên tục vừa qua làm số trẻ em mắc bệnh hô hấp và sốt siêu vi gia tăng. Điều kiện thời tiết thất thường trong giai đoạn chuyển mùa rất dễ gây bệnh cho trẻ nhỏ.
Bệnh nhi đứng ngồi đầy ắp tại Khu khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 13-8-2014). |
Nhiều bệnh nhi sốt cao 40-41 độ C
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sáng 13-8, khu lấy số thứ tự và khu khám tấp nập bệnh nhân, trong đó khoảng 90% là bệnh nhi. Lượng ghế ngồi tại khu khám trở nên quá ít so với lượng bệnh nhân thực tế, nên trẻ được bố mẹ bồng bế ngồi đợi ở khắp lối đi xung quanh phòng khám bệnh. Triệu chứng chung trước khi các bé đến bệnh viện là sốt và ho. Ôm con đứng ở hành lang để tránh không khí ngột ngạt, một bà mẹ có con dưới 7 tháng tuổi chia sẻ: “Đông quá, không biết khi nào tới lượt cháu. Sao thấy toàn trẻ sốt thế này! Nắng nóng quá làm sao trẻ con chịu nổi!”.
Với các cán bộ y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, lượng bệnh nhân như hôm qua là… bình thường trong tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, bởi có thời điểm bệnh viện tiếp nhận 1.000 người khám/ngày. Số liệu tại Phòng Tổng hợp Bệnh viện cho biết, trung bình có 400 ca trẻ khám trong những ngày qua, trong đó số nhập viện khoảng 180 trẻ/ngày, chủ yếu liên quan đến bệnh hô hấp và sốt siêu vi. So với ngày bình thường, lượng bệnh nhi nhập viện tăng khoảng 60 trẻ/ngày.
Tại khu cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm (khoa Nhi) cho biết, số trẻ vào viện trong tình trạng sốt cao 40-41 độ C khá nhiều. Đây là hiện tượng sốt cao co giật lành tính ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi; thời tiết đổi mùa, trẻ dễ nhiễm siêu vi gây sốt.
Lưu ý khi nằm điều hòa, quạt máy
Tình hình trẻ mắc bệnh tăng vào thời điểm chuyển mùa hoặc diễn biến thời tiết nắng mưa thất thường hầu như trở thành hiện tượng phổ biến, bởi cơ thể trẻ em rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và môi trường. Theo bác sĩ Lê Thanh Cẩm, cách cha mẹ có thể đối phó với sự thay đổi thời tiết thất thường là quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Cụ thể, với ngày nắng nóng cần lưu ý cho trẻ bù nước, uống nước trái cây, ăn sinh tố và bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Đồng thời, không nên tránh nắng cho trẻ bằng cách để trẻ trong phòng suốt 24 tiếng đồng hồ/ngày mà vẫn để trẻ em ra ngoài vận động, nhưng cần phải tránh ánh nắng tác động trực tiếp vào cơ thể.
Một số phụ huynh cho rằng, nằm điều hòa sẽ tốt hơn quạt máy. Tuy nhiên, có vài quan niệm ngược lại, dù nóng cỡ nào cũng không dám để con nằm máy lạnh. Theo bác sĩ Lê Thanh Cẩm, sử dụng thiết bị làm mát nào cũng tốt, vấn đề là tránh để hơi lạnh hay sức gió thổi trực tiếp vào trẻ em. Không nên để nhiệt độ quá thấp hoặc mức gió quá cao, bởi thân nhiệt trẻ em khác người lớn và đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ.
Bài và ảnh: THU HOA