Môi trường làm việc trong những văn phòng cao ốc đèn điện sáng trưng, tránh xa mưa nắng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bệnh tật cho dân văn phòng. Các bác sĩ thường bảo “cổ cồn dễ bị cổ vẹo”, môi trường chật chội, thiếu không khí, áp lực công việc, giờ giấc nghỉ ngơi thất thường đang bào mòn sức khỏe chúng ta.
Chính vì vậy, nhiều người cứ nghĩ sao mình không làm gì mà người vẫn thường xuyên mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, khó ngủ, tăng huyết áp… Các vấn đề về sức khỏe mới đầu chỉ nhẹ và thoáng qua, nhưng sau thì nặng dần, thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và công việc.
Bệnh tai mũi họng và hội chứng mệt mỏi kinh niên
Nhiều người nghĩ rằng làm việc trong phòng máy lạnh thì không có bụi nhưng thực tế có rất nhiều bụi từ các vụn giấy, từ mực máy photocopy, máy in, từ thảm, nệm... Không khí lạnh cùng với bụi và mùi hóa chất là tác nhân gây kích thích làm viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản ở nhiều người.
Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp của các nhân viên văn phòng. Chưa kể, máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên là môi trường phát sinh vi khuẩn có hại cho hô hấp.
Môi trường không khí ở văn phòng thường thiếu oxy vì phòng đóng kín và mật độ người trong phòng cao. Phụ nữ hay cắm hoa tươi để thay thế cây xanh, giúp phòng tươi mát hơn.
Thực tế, hoa tươi không tạo ra oxy mà ngược lại, hoa hấp thu đi lượng oxy vốn đã khan hiếm trong căn phòng kín. Do vậy, mỗi ngày, nên mở cửa phòng cho thông thoáng trước khi khởi động máy lạnh.
Mệt mỏi kinh niên cũng là bệnh thường gặp ở dân văn phòng, ít khi tìm được nguyên nhân khi đi khám. Đó là hội chứng mệt mỏi mạn tính. Một người được coi là bị mỏi mệt mạn tính khi tình trạng mệt mỏi kéo dài ít nhất sáu tháng, khởi phát đột ngột, nghỉ ngơi cũng không đỡ và kèm theo các triệu chứng: suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, đau họng, sưng hạch, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, ngủ không ngon giấc, cảm giác khó chịu và kiệt sức sau khi gắng sức.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này như nhiễm khuẩn, trầm cảm, rối loạn chuyển hóa đường, thiếu máu, thiểu năng tuyến giáp, làm việc quá sức, nhất là với phụ nữ.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Một tình trạng bệnh lý gần đây được nêu lên nhiều ở các nước phương Tây đối với nhân viên văn phòng đó là huyết khối tĩnh mạch sâu. Trước đây bệnh rất ít khi gặp ở người dưới 40 tuổi nhưng nay bắt đầu gặp ở những người phải ngồi liên tục nhiều giờ trong văn phòng.
Do ít vận động, nên máu trong tĩnh mạch, đặc biệt là các tĩnh mạch sâu ở chân, lưu thông chậm nên dễ sinh ra các huyết khối (cục máu đông). Các huyết khối này có thể gây ra tình trạng sưng đau bắp chân hoặc nếu huyết khối rơi ra và trôi theo dòng máu còn có thể gây tắc động mạch phổi, nặng có thể gây tử vong đột ngột.
Do tính căng thẳng của công việc càng làm cơ thể tiết nhiều hơn các chất Cathecholamine và các Corticoide, là tiền đề cho việc tăng huyết áp. Cuộc sống ít vận động làm cholesterol lắng đọng ngày càng nhiều trong các thành mạch máu, gây xơ cứng thành mạch. Đây chính là thủ phạm của cao huyết áp, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Chúng ta nên phòng ngừa bằng cách thường xuyên đứng lên, đi lại, vận động chân để máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, xen giữa các quãng thời gian dài làm việc nên tranh thủ bước ra một nơi rộng rãi, ngoài trời, có cây xanh càng tốt, để vừa cho cơ thể có dịp nghỉ ngơi vừa để tinh thần được thư giãn. Trò chuyện với đồng nghiệp cũng là cách giảm stress hiệu quả và tạo ra tiếng cười thư giãn những lúc giữa giờ.
Đau dạ dày
Đau dạ dày là một trong những căn bệnh của cuộc sống hiện đại. Những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống và trong công việc đã tạo cho chúng ta những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu, bia, uống cà phê nhiều, thức khuya, ăn uống thất thường.
Tất cả những yếu tố đó đã khiến cho dạ dày của bạn bị tổn thương. Chúng ta khó ăn ngon miệng, càng không thể tập trung làm việc bởi những cơn đau âm ỉ luôn kéo dài.
Để phòng ngừa đau dạ dày bạn nên sắp xếp cho mình một kế hoạch làm việc và ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dù rất bận rộn bạn không nên bỏ bữa ăn và cần ăn đúng giờ. Bữa ăn phải là thời gian thư giãn. Việc suy nghĩ nhiều, lo lắng, căng thẳng sẽ làm bệnh càng tiến triển hơn.
Một bầu không khí vui vẻ sẽ kích thích sự ngon miệng và là một liều thuốc bổ. Dạ dày cũng giống như một công chức mẫn cảm, chỉ dẻo dai khi làm việc có kế hoạch và đúng giờ giấc.
Chúng ta không nên để bụng đói liên tục vì đó là điều kiện để dịch vị trong dạ dày tấn công niêm mạc, dễ gây viêm loét dạ dày. Nếu chưa thể ăn ngay bạn có thể dùng tạm một ly sữa với vài cái bánh quy hay ly bột ngũ cốc hoặc ly chè.
Không nên ăn những thức ăn lạ, khó tiêu. Bữa ăn sáng rất quan trọng không nên bỏ vì lượng thức ăn trong cơ thể bạn đã được bài tiết sau một đêm, nếu bạn nhịn đói sẽ mau mệt và não không đủ năng lượng để có thể tiếp nhận được một ngày mới tươi đẹp.
Làm được những việc này sẽ giúp bạn tránh được cơn đau dạ dày. Tuy nhiên, không nên ăn những món có vị chua, cay, nóng hoặc quá mặn lúc đói và những loại gia vị có tính kích thích như hành, tỏi, ớt, hạt tiêu… Đặc biệt, không nên uống rượu mạnh, nhất là lúc đói, vì rượu sẽ kích thích lượng acid trong dạ dày tăng nhanh chóng.
Nhức đầu và đau lưng
Áp lực của công việc kèm theo giờ giấc nghỉ ngơi thất thường, ngủ trưa không đủ giấc, mắt làm việc nhiều với máy vi tính…, dễ gây nên tình trạng nhức đầu và đau lưng. Đa phần người làm văn phòng đều có thói quen ngồi còng lưng, vẹo lưng sang trái hay sang phải, gác chân phải lên chân trái hay ngược lại khi ngồi... Vì vậy, chúng ta hay bị đau lưng và mắc những bệnh về cột sống như gù, vẹo cột sống, đau dọc thần kinh tọa do chèn ép rễ thần kinh.
Để giảm đau lưng, bạn nên nồi thẳng lưng và không để lưng đổ chùng xuống một cách thụ động. Nếu ghế có tựa thì đó là vật hỗ trợ tốt tuy nhiên phải chú ý ngồi sâu vào ghế để lưng tựa thẳng vào ghế, tránh chỉ ngồi ở mép ghế khiến lưng phải đổ chùng xuống làm mất tác dụng của tựa. Làm việc với máy vi tính thì cần tranh thủ cho mắt nghỉ ngơi, chẳng hạn thỉnh thoảng nhắm mắt lại để mắt được làm ẩm, ngưng nhìn máy vi tính để đưa mắt nhìn ra xa.
Ngoài thời gian dài làm việc, bạn nên thu xếp những kỳ nghỉ ngắn ở những nơi rộng rãi, ngoài trời có càng nhiều cây xanh càng tốt để cơ thể có dịp nghỉ ngơi và tinh thần thư giãn. Hãy biết lắng nghe từng biểu hiện rất nhỏ có vẻ bất thường của cơ thể để điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Đừng để đến khi cảm thấy cơ thể yếu dần hoặc có triệu chứng bất thường lớn mới tìm cách khắc phục.
DNSGO