.

Khổ với mồ hôi

.

Toát mồ hôi là hiện tượng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, có không ít người bối rối vì mồ hôi ra quá nhiều, gây trở ngại trong công việc hằng ngày hoặc mất tự tin khi giao tiếp.

Bác sĩ Lê Đình Đảm sử dụng phương pháp điện di điều trị chứng tăng tiết mồ hôi.
Bác sĩ Lê Đình Đảm sử dụng phương pháp điện di điều trị chứng tăng tiết mồ hôi.

Chẳng rõ bệnh gì mà... khổ

Ra nhiều mồ hôi hay còn gọi tăng tiết mồ hôi là chứng bệnh khó xác định rõ nguyên nhân cụ thể. Có người vã mồ hôi thành giọt mỗi khi e thẹn, hồi hộp, hay đang trong bữa ăn, hoặc bỗng dưng chảy mồ hôi không vì nguyên nhân cụ thể nào.

Cũng chính vì không rõ nguyên nhân nên người bị tăng tiết mồ hôi mới phải… khổ. Nhiều người loay hoay điều trị hết cách này đến cách khác chỉ vì mấy giọt nước xuất hiện trên lòng bàn tay, bàn chân và nách. Theo thống kê, 3% dân số mắc chứng bệnh tăng tiết mồ hôi. Nếu trước đây, người bị chứng này thường một mình ôm nỗi khổ, thì nay, trong thời đại mạng xã hội, họ có thể kết bạn, trao đổi tâm tư cũng như tìm giải pháp “sống chung” với mồ hôi thông qua Hội những người tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis). Mọi người mách nhau dùng khí công y đạo, phương pháp diện chẩn, uống thuốc bắc, dùng găng tay, lót giày chuyên dụng đến học cách kiểm soát cảm xúc… cho mồ hôi bớt tiết ra.

Các bác sĩ điều trị tăng tiết mồ hôi cho biết, bệnh nhân điều trị chứng này thường là thanh niên hoặc người đang trong độ tuổi lao động, bởi mồ hôi khiến họ không thể làm việc trôi chảy. Một số học sinh bị mồ hôi tay đến mức nhỏ thành từng giọt xuống trang vở. Một số người làm các ngành, nghề khác nhau như thợ may, giáo viên, họa sĩ, doanh nhân cũng gặp rắc rối vì mồ hôi. Đặc biệt, với người bị tăng tiết mồ hôi nách, nỗi khổ càng khó chia sẻ cùng ai.

Nhiều cách điều trị

Bác sĩ Lê Đình Đảm, Bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng, cho biết toàn thân mỗi người có từ 3-4 triệu tuyến mồ hôi, trong đó thân chiếm 50%, hai chi dưới 25% và các phần còn lại (tay, mặt, đầu) 25%. Bình thường, mồ hôi tiết ra là dấu hiệu tốt giúp da giữ độ ẩm, đàn hồi và có vai trò điều tiết nhiệt độ góp phần giúp cơ thể luôn cân bằng ở 37 độ C. Tuy nhiên, mồ hôi ra quá nhiều, hay còn gọi mắc chứng tăng tiết mồ hôi thì đó là hiện tượng bất thường, có thể gây rối loạn điện giải.

Bác sĩ Đảm cho biết, 99% thành phần của mồ hôi là nước, còn lại là muối và một số chất điện giải. Mồ hôi ra quá nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây mùi khó chịu. Để điều trị chứng bệnh này, hiện có nhiều phương pháp dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Mỗi cách điều trị đều có ưu điểm và hạn chế nhất định. Chưa kể những người bị ra mồ hôi toàn thân thì phải kết hợp nhiều phương pháp.

Đối với điều trị bằng phẫu thuật, người bị tăng tiết mồ hôi có thể được cắt hạch giao cảm hoặc cắt tuyến mồ hôi. Theo một số người từng phẫu thuật, cách này giúp giảm mồ hôi triệt để ở tay, chân và nách, nhưng mồ hôi sẽ “chạy” sang chỗ khác trên cơ thể để tiết bù. Đối với điều trị không dùng thuốc như điện di, một phương pháp đông y, phục hồi chức năng, hiểu nôm na là người bệnh được khắc phục tăng tiết mồ hôi bằng cách cho dòng điện một chiều chạy qua vùng cơ thể cần giảm mồ hôi. Điện di được xem là khá nhẹ nhàng vì không dùng thuốc hay tác động dao kéo. Tuy nhiên, phương pháp này không thể áp dụng chữa tăng tiết mồ hôi toàn thân mà chỉ dùng cho tay, chân và nách. Bên cạnh đó, sau vài tháng điều trị, người bệnh cần đến cơ sở y tế chạy điện “nhắc lại” một lần để cơ thể… nhớ là không được tiết quá nhiều mồ hôi.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.