Tập yoga không đúng cách có thể dẫn đến những “tác dụng ngược” như: mệt mỏi, đau tim, chấn thương cơ thể. Yoga tưởng chỉ có những động tác nhẹ nhàng, dễ tiếp cận với mọi lứa tuổi, kể cả người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, muốn yoga mang lại lợi ích cho sức khỏe, trước hết người tập phải lưu ý những kỹ thuật cơ bản tưởng rất nhỏ.
Người tập yoga cần lưu ý những kỹ thuật cơ bản. Ảnh: LAN HƯƠNG |
Tập ở nhà… cũng khó
Tập yoga dần thịnh hành trong đời sống đô thị, nhất là với những người làm các công việc ít có điều kiện vận động cơ thể. Ngoài việc đến các lớp học yoga, hiện nay, mọi người có thể tự luyện yoga thông qua các kênh như truyền hình, Internet, sách, v.v…
Chỉ với một chiếc ti-vi hoặc một chiếc máy tính kết nối Internet, người tập có thể chọn rất nhiều bài yoga phù hợp. Giờ giấc linh động, không cần đến lớp, không tốn học phí và được tự do tập luyện theo ý thích là những lý do mà nhiều người chọn cách tự tập yoga tại nhà. Trần Anh, một nam sinh viên mới tốt nghiệp đại học cho biết: “Tôi tập yoga được hơn một năm, tất cả bài tập đều thông qua truyền hình vì chi phí để đến lớp yoga khá đắt đối với một người chưa có nghề nghiệp ổn định như tôi. Sau một thời gian, tôi thấy sức khỏe tiến triển tốt hơn nhưng thực sự chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vì có thể mình mắc lỗi, không có ai điều chỉnh giúp động tác và đôi khi lười biếng nên thời gian tập luyện không bảo đảm. Hơn nữa, với các động tác khó, nếu không có “sư phụ” thì sẽ khó thực hiện thành công”.
Ngoài tập ở nhà, một số người rủ nhau tạo thành nhóm hằng ngày tập với nhau thông qua băng đĩa. Đáng nói, nếu trong nhóm không có người am hiểu kỹ thuật yoga thì lắm khi mọi người sẽ cùng sai một số động tác.
Tập không đúng sẽ phản tác dụng
Chị Lê Kim Nga, giáo viên hướng dẫn yoga tại cơ sở Thanh Xuân Thẩm Mỹ cho biết, luyện tập yoga giúp tăng cường sức khỏe và chữa một số bệnh như: mất ngủ, trầm cảm, đau dạ dày, bệnh về tiêu hóa, xương khớp, tim mạch, tiểu đường v.v… Tuy nhiên, tập sai trước hết sẽ bị mệt và té ngã.
Theo chị Kim Nga, yoga có các tư thế cơ bản gồm đứng, ngồi và nằm. Chỉ với động tác đứng nhưng có thể khiến người tập bị ngã. Người tập yoga giống diễn viên xiếc ở chỗ trọng lượng cơ thể dồn xuống gót chân để tạo sự chắc chắn. “Đứng ở dạng nào thì hai bàn chân cũng hướng thẳng, không tạo thành chữ V. Cách này tuy đơn giản nhưng rất nhiều người làm sai khiến thế đứng không vững”, chị Nga cho biết.
Điều đáng lưu ý trong yoga là mọi động tác phải được thực hiện từ từ và đi đúng trình tự. Nếu vội vàng, muốn làm nhanh, sớm tạo được tư thế như hình mẫu thì người tập sẽ chóng mặt, thậm chí bị gãy cột sống. Một số người tập yoga không thấy khỏe mà còn than đau, đi lại khó khăn vì cơ thể bị vắt sức cho các bài tập vội vàng, ngược với nguyên tắc “từ từ” của yoga.
Động tác khó kiểm soát nhất đối với người tự tập yoga là làm chủ hơi thở. Làn hơi giống như người nhạc trưởng điều khiển toàn thân phối hợp nhịp nhàng tạo thành bản giao hưởng trong tâm trí. Hơi thở đến đâu, cơ thể di chuyển theo đến đấy. Muốn thở đúng, trước hết người tập phải tập trung tuyệt đối vào làn hơi của mình, tránh bị chi phối bởi mọi thứ xung quanh. Điều này giải thích vì sao trước khi tập yoga, phải ngồi thiền 10 phút để tịnh tâm, trút bỏ mọi ưu phiền, lo lắng. Trong khi đó, tập yoga với màn hình máy tính, ti-vi, người tập phải ngó nghiêng ngó dọc xem động tác hướng dẫn nên có thể sẽ quên mất hơi thở và tay chân của mình đang phối hợp với nhau thế nào.
Chị Kim Nga khuyến cáo người tập nên tuân thủ giờ giấc tối đa 1,5 tiếng đồng hồ/ngày cho quy trình ngồi thiền, khởi động, tập động tác chính, massage và thư giãn.
THU HOA