.
Cai nghiện ma túy bằng châm cứu kết hợp thuốc nam

Bước đột phá nhân văn

.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng đã châm cứu kết hợp thuốc nam điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy thành công một trường hợp nghiện nặng, nghiện lâu năm, từng tự cai và cai nghiện bằng những phương pháp khác không thành công. Từ đó đến nay, thêm 7 trường hợp khác đã được điều trị thành công.

Bệnh nhân được đón đầu cơn nghiện, điện châm 3-6 lần/ngày để cắt cơn.
Bệnh nhân được đón đầu cơn nghiện, điện châm 3-6 lần/ngày để cắt cơn.

Hết lên cơn nghiện trong 3 ngày

Nghi ngờ về tính hiệu quả của phương pháp, lo sợ khi phải một lần nữa đối mặt với sự vật vã, đau đớn khi cai nghiện là tâm trạng chung của những người nghiện ma túy khi đến bệnh viện. Nhưng sau khi ra viện, tất cả bệnh nhân đều phấn khởi, vui sướng vì đã trải qua những ngày cai nghiện êm ái, không đau đớn, hiệu quả lại cao.

Biết thông tin về phương pháp cai nghiện ma túy bằng châm cứu kết hợp thuốc nam qua các phương tiện truyền thông, anh H.T.S (SN 1985) đã cùng mẹ lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng nhưng chỉ nghĩ đi cho mẹ vui lòng. Thậm chí, ngày châm cứu thứ hai, anh vẫn nói với thầy thuốc rằng, châm thì cứ châm nhưng chắc không có tác dụng gì. Đến nay, trải qua 10 ngày điều trị, anh S. hào hứng kể: “Tôi nghiện khi mới 16 tuổi và đã cai nhiều lần nhưng không thành công. Lần cai này, tôi cũng cảm thấy không có nhiều hy vọng. Nhưng đến ngày châm cứu thứ ba, tôi không còn cảm giác bứt rứt khó chịu, co rút cơ, cảm giác giòi bò trong xương, cũng không lên cơn thèm thuốc, ăn ngủ và tinh thần rất tốt. Điều đó thật kỳ diệu!”.

Bệnh nhân V.H.N (SN 1980, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng là một trong những trường hợp nặng được điều trị thành công bằng phương pháp này. Anh N. nghiện heroin suốt 10 năm nay, mỗi ngày hít ít nhất 4 lần và từng đi cai nghiện, nhưng chỉ một vài tuần sau cai thì anh lại tìm đến heroin do sức khỏe suy sụp kéo dài, mất ngủ, không dùng thuốc thì không chịu được. Bệnh nhân N. nhập viện, được thầy thuốc chỉ định điện châm 6 lần/ngày, 30 phút/lần, châm cứu kết hợp uống thuốc nam. Đến ngày thứ hai thì hội chứng cai xuất hiện liên tục.

Có lúc bệnh nhân vật vã, bứt rứt, điện châm không quá 15 phút phải rút kim sớm, dùng hỏa long cứu thì bệnh nhân thấy dễ chịu hơn. Ngày thứ ba, cơn đói thuốc thưa dần, anh N. ăn được và ngày ngủ được vài tiếng. Những ngày sau đó, bệnh nhân khỏe mạnh hoàn toàn, ăn ngủ bình thường, xét nghiệm opiate âm tính.

Trong sổ cảm tưởng của bệnh viện, anh N. viết: “Tôi mong rằng những người nghiện có lòng từ bỏ ma túy thì nên tới đây để điều trị vì không bị cách ly và được các thầy thuốc đối xử như bệnh nhân bình thường, như người thân trong nhà, cắt cơn rất nhanh chóng”.

Lương y Huỳnh Sự - người trực tiếp phụ trách châm cứu hỗ trợ điều trị cai nghiện tại Bệnh viện YHCT - lý giải: “Khi dùng ma túy, cơ thể sẽ ngừng sản xuất chất morphin. Khi nguồn ma túy từ ngoài vào bị cắt đột ngột, cơ thể chưa thích ứng, lượng morphin nội sinh thiếu hụt gây hiện tượng lên cơn. Chính sự kích thích của kim lên vỏ não sẽ khiến não sản xuất ra morphin nội sinh đáp ứng các chức năng sinh lý, làm người nghiện quên cơn ghiền và được cắt cơn nhẹ nhàng. Sau khi ra viện, bệnh nhân phải kiên trì uống thuốc nam hỗ trợ giải độc hằng ngày và châm cứu 1 lần/ngày trong vòng một tháng, rồi thưa dần 2-3 lần/tuần. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gọi điện bất cứ lúc nào để chúng tôi tư vấn các phương pháp tập luyện, nâng cao ý thức vượt qua cám dỗ”.

Linh động, sáng tạo trong điều trị

Phương pháp châm cứu điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng được GS,TS Nguyễn Tài Thu, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới - Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, phương pháp của GS,TS Nguyễn Tài Thu chỉ áp dụng với những bệnh nhân mới nghiện một năm trở lại.

Dựa trên hướng dẫn ban đầu này, lương y Phan Công Tuấn đã linh động bằng cách vừa điện châm với tần suất 3-6 lần/ngày, vừa cho bệnh nhân uống thuốc nam tăng, giảm liều lượng theo tân toa căn bản và đã mang lại kết quả cao, kể cả với những người nghiện lâu năm.

“Tân toa căn bản gồm 7 nhóm tác dụng bổ khí, nhuận huyết, giải độc, nhuận gan, lợi tiểu, an thần, kích thích tiêu hóa, có thể gia, giảm, khử, bội linh hoạt theo triệu chứng hay theo nguồn gốc có sẵn của địa phương để tăng cường công năng điều hòa cơ thể, đáp ứng cơ bản cho điều trị, hóa giải các triệu chứng của hội chứng cai. Đồng thời, với chức năng phù chính, khu tà, giải độc cơ thể, cũng có thể tiếp tục dùng trong giai đoạn hậu cắt cơn để tránh tái nghiện”, lương y Phan Công Tuấn cho biết.

Theo các thầy thuốc, điều quan trọng trên hết là người nghiện phải thật sự tự nguyện, quyết tâm cai và các thầy thuốc phải hết sức tâm huyết với người bệnh. “Với châm cứu, thầy thuốc phải đón đầu cơn của bệnh nhân nên túc trực bên người bệnh 24/24 giờ. Nhiều lúc, bệnh nhân khó ngủ, tôi phải thức cùng để cùng trò chuyện, giúp bệnh nhân cải thiện tinh thần”, lương y Huỳnh Sự cho hay.

Nhận thấy hầu hết người nghiện đều không theo nghề được đào tạo tại các cơ sở cai nghiện, lương y Phan Công Tuấn mong muốn sẽ đào tạo, hướng dẫn các bệnh nhân sau khi ra viện trở thành những tình nguyện viên, cộng sự đắc lực cho chính các thầy thuốc. Theo ông, có được việc làm ổn định là cơ hội tốt nhất để người nghiện hòa nhập cộng đồng và không bị kỳ thị.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.