.

Đừng sống thay con

.

Trẻ bước vào độ tuổi dậy thì luôn có nhiều xáo trộn trong cảm xúc, tâm lý, tính cách. Nhiều phụ huynh thay vì tìm cách hiểu con, làm bạn với con lại cho rằng con hư đốn và có những hành động tiêu cực, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tập huấn kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên.
Cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tập huấn kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên.

Bố mẹ “ra rìa” khi con đến tuổi teen

Chị N.T.H (SN 1970, quận Hải Châu), giáo viên dạy Văn của một trường THPT, chia sẻ kể từ khi con trai đầu bước vào lớp 10 thì các cuộc đi chơi cũng như trò chuyện giữa hai mẹ con thưa dần. Dù chị luôn cố gắng trò chuyện cởi mở, hỏi thăm chuyện bạn bè, trường lớp của con nhưng đáp lại chỉ là câu nói: “Có gì đâu mà kể hở mẹ”. Không riêng chị H. mà các đồng nghiệp của chị đều rơi vào tình huống tương tự. Khi những phụ huynh này tìm cách đến gần con nhưng không được, họ đều mặc nhiên thừa nhận đó là chuyện bình thường.

Nhiều phụ huynh vì không hiểu sự thay đổi tâm lý, tính cách khi con bước vào tuổi dậy thì đã tìm mọi cách ép buộc con làm theo những điều mình muốn, nếu con không vâng lời thì la mắng. Tiến sĩ (TS) tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương, khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), kể với chúng tôi về một số trường hợp chị đã gặp. Một người mẹ có con đang trong độ tuổi dậy thì tìm đến TS Hằng Phương bày tỏ bức xúc vì đứa con ngày càng bướng bỉnh, không vâng lời, học hành sa sút. Thay vì tìm cách chuyện trò để hiểu con, người mẹ này lại liên tục quát mắng con là “đứa bỏ đi”, so sánh con với những đứa trẻ khác. Chuyên gia tư vấn tâm lý Hằng Phương đã chỉ ra cho người mẹ thấy rằng, nếu không có sự thay đổi trong cách tương tác giữa bố mẹ với con cái thì đến một ngày nào đó, con sẽ có những hành động không tốt... Tuy nhiên, vị phụ huynh này không hiểu vấn đề; hậu quả là con đã vung tay tát bố, xô ngã mẹ và bỏ nhà đi biệt tăm.

Về phía con cái, Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1992), hiện là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm Toán - ĐH Quy Nhơn, buồn bã thổ lộ: “Từ lúc nhỏ đến bây giờ, em chỉ cố sống, cố học chỉ để mẹ vui lòng”. Mặc dù rất muốn theo học một ngành kinh tế nhưng với truyền thống của gia đình, bất kể khi nào Linh bày tỏ nguyện vọng của mình đều bị bố mẹ gạt đi và bảo: “Con gái theo sư phạm cho nhàn, ganh đua làm gì cho mệt”. Linh chia sẻ thêm, hiện tại cô đã có người yêu nhưng chưa dám công khai. Linh nói: “Từ trước đến nay, bố mẹ toàn nói em là con nít, mới tí tuổi đầu mà đòi yêu đương gì nên em đâu dám hó hé chuyện tình cảm với ai. Còn với ngành học này, là sinh viên năm cuối nhưng chưa khi nào em cảm thấy tự tin với nghề đã chọn. Bao giờ em cũng tự dằn vặt mình sao không dám đấu tranh để được làm điều mình thích”.

Xóa hố ngăn cách

Kể từ năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã bố trí 10 giáo viên tâm lý vào các trường THPT trên địa bàn để đảm nhiệm công việc gỡ rối, tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo một cuộc khảo sát của Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, càng về cuối cấp học, học sinh càng có xu hướng không chia sẻ khó khăn tâm lý với bố mẹ, thầy cô. Đặc biệt, 30% học sinh khối 9 cho biết khi gặp khó khăn về tâm lý, các em để trong lòng, không thổ lộ với ai hoặc tự mình suy nghĩ để giải quyết vấn đề, rất ít học sinh nghĩ đến thầy cô hoặc tìm cách hỏi các chuyên mục tư vấn. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi gần ½ trong số học sinh được điều tra cho biết cảm thấy mình kém cỏi và có khoảng 12,5% học sinh từng có ý nghĩ chán sống.

Theo TS Nguyễn Thị Hằng Phương, phụ huynh là người nắm giữ chiếc chìa khóa của mối quan hệ bố mẹ - con cái. Muốn cải thiện tình cảm với các con, bố mẹ là người tự mở cánh cửa ngăn cách này. Bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ phải đối diện với những xáo trộn trong cảm xúc, trong tâm lý, tính cách của bản thân mà theo nhiều phụ huynh thì đó là những hành động “chướng mắt, chướng tai”. “Phụ huynh vì lo sợ con không thành đạt nên luôn muốn các con phải làm theo điều mà họ cho là đúng đắn. Nhiều phụ huynh đã không quan tâm đến cảm xúc của con. Nếu phụ huynh không thực sự hiểu con, muốn lấy thành tích của con làm “trang sức” cho mình thì không khí gia đình sẽ luôn căng thẳng, và con cái cảm thấy mình không được bố mẹ yêu thương”, TS Hằng Phương chia sẻ.

Trong các cuộc tham vấn với phụ huynh, chuyên gia tư vấn tâm lý Hằng Phương luôn nhắn nhủ phụ huynh cần dốc lòng, dốc sức khuyến khích trẻ trò chuyện và phải làm cho con cái hiểu được cảm xúc, những nghĩ suy buồn phiền của bố mẹ khi con không vâng lời. Một khi bố mẹ đã tạo dựng được nền tảng thì những cuộc đối thoại sẽ đến nhẹ nhàng như thói quen. “Hướng dẫn trẻ chứ đừng sống thay trẻ, vì trẻ có quyền sống cuộc sống của riêng mình”, TS Hằng Phương nhận định.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.