.

Trung tâm Y tế dự phòng quá tải

.

Số trẻ em ngày càng tăng, nhu cầu tiêm chủng của người dân ngày càng cao về số lượng lẫn chất lượng, dịch bệnh diễn biến phức tạp là những nguyên nhân khiến tình trạng quá tải tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng (TTYTDP) xảy ra thường xuyên trong nhiều tháng trở lại đây.

Ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng sáng 16-10.
Ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng sáng 16-10.

Ngoài việc không bảo đảm không gian phục vụ tiêm chủng, trung tâm này cũng đã xuống cấp trầm trọng về cơ sở hạ tầng. Cần đưa việc xây dựng, nâng cấp TTYTDP thành hoạt động đầu tư trọng điểm của thành phố. Đó là ý kiến được tập trung trao đổi tại buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội (VHXH)- HĐND thành phố với TTYTDP vào sáng 16-10.

Các ý kiến của Ban VHXH và Sở Y tế đều cho rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng thực tế trái ngược là việc đầu tư kinh phí cho hệ dự phòng chưa được chú trọng bằng hệ điều trị. Dù TTYTDP đã được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2012 nhưng hiện nay nhiều chuẩn vẫn chưa đạt mức hoàn thiện. Cụ thể, diện tích chuẩn cho Trung tâm là 3.000m2.

Tuy nhiên, lâu nay TTYTDP chỉ hoạt động trong phạm vi bằng 1/3 diện tích nêu trên, nên sự chật chội ngày càng trầm trọng. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTYTDP, việc phụ huynh đưa con đến xếp hàng đợi tiêm từ rất sớm, thậm chí phải bồng con về vì quá tải. Tình trạng mất cắp do kẻ xấu lợi dụng trà trộn vào chỗ đông người, việc ùn tắc giao thông do quá nhiều người tập trung đến tiêm trong một thời điểm khiến trung tâm phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Công an phường.

Hiện TTYTDP có 80 cán bộ gồm biên chế và hợp đồng với 7 khoa, phòng. Ngày 9-11-2011, UBND thành phố có Quyết định số 9627/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng 2011-2015, trong đó có các hoạt động cải tạo, sửa chữa cơ sở, mua sắm trang thiết bị xét nghiệm, bổ sung biên chế, v.v… Tuy nhiên đến nay, trung tâm mới chỉ được cấp một số trang thiết bị với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng và xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, TTYTDP còn báo cáo tình hình dịch bệnh 9 tháng qua. Sốt xuất huyết và tay chân miệng đều giảm ca mắc so với năm 2013. Riêng viêm não virus, sởi và thủy đậu tăng đáng kể so với năm trước. Cụ thể, 11 ca theo dõi viêm não virus (trong đó 1 ca xét nghiệm dương tính); 677 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 369 ca xét nghiệm dương tính; 1.401 ca thủy đậu.

Đối với bệnh Ebola, tại Đà Nẵng có 1 trường hợp từ Liberia về trú phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vào ngày 4-9-2014. Đến nay, qua theo dõi, tư vấn và giám sát cho thấy sức khỏe của người này hoàn toàn bình thường.

Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi (4.220 trẻ) và chiến dịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi (63.238 trẻ), đạt tỷ lệ 95% so với kế hoạch, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Trung tâm đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi (210.000 trẻ).

Tin và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.