ĐNĐT - Tin từ Viện y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho hay, 20 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin Ebola tại Mỹ đã cho kết quả nhiều hứa hẹn.
Trong ảnh là người phụ nữ 39 tuổi - tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin Ebola thử nghiệm trên người - Ảnh: BBC |
Theo BBC, kết quả nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin Ebola trên người giai đoạn đầu đã được đăng tải trên tờ Tạp chí y khoa New England (NEJM). Theo đó, không ai trong số thành viên tham gia thử nghiệm có biểu hiện phản ứng phụ đáng kể và tất cả đều sản sinh kháng thể sau khi tiêm vắc-xin.
Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc NIH cho biết: “Căn cứ vào sự an toàn và khả năng sản sinh kháng thể phù hợp, chúng tôi có thể xem lần thử nghiệm này là một thành công đáng kể, dù nó mới chỉ là thử nghiệm đầu của Giai đoạn 1”.
Theo đó, các tình nguyện viên - chia thành 2 nhóm - được tiêm liều lượng vắc-xin thấp và cao. Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhóm tiêm vắc-xin liều cao sản sinh kháng thể mạnh hơn.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, có 7 người thuộc nhóm tiêm vắc-xin liều cao và 2 người thuộc nhóm tiêm vắc-xin liều thấp đã sản sinh tế bào T, loại kháng thể rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể người trước virus Ebola.
Sẽ còn 4 đợt thử nghiệm khác với loại vắc-xin này. Vắc-xin của Mỹ nghiên cứu là loại kháng được đồng thời 2 chủng virus Ebola ở Sudan và Zaire. Chủng virus ở Zaire được xem là nguyên nhân chính gây ra đại dịch Ebola hiện nay.
Các thử nghiệm liên quan tới loại vắc-xin kháng riêng chủng virus Ebola ở Zaire cũng đang được tiến hành tại Oxford, Mali và Thụy Sĩ. Nếu những thử nghiệm này cho kết quả tích cực, vắc-xin này sẽ được cấp cho hàng ngàn nhân viên y tế tại tây Phi.
Ông Fauci nói: “Nếu đại dịch Ebola vẫn còn tiếp diễn trong 6 tháng nữa kể từ nay và tới lúc đó, loại vắc-xin đang thử nghiệm được chứng minh tính hiệu quả, nó có thể tạo nên tác động đáng kể cho đại dịch hiện nay”. Tuy nhiên cũng theo ông Fauci, về lâu dài, mục đích của giới khoa học vẫn là tạo ra loại vắc-xin giúp ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai.
Trần Đắc Luân