Ho, hen, viêm họng, viêm phế quản... là những căn bệnh đường hô hấp thường gặp trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều.
Tắc chưng đường phèn là bài thuốc trị bệnh đường hô hấp rất hiệu quả |
Trong một số trường hợp, sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên để thay thế cho thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị ho sẽ là giải pháp an toàn, hiệu quả.
1. Quả tắc
Tắc hay còn được gọi là quất, từ lâu đã được đánh giá là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao. Do thành phần quả tắc chứa nhiều chất có lợi cho cơ thể nhờ đó giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Theo Đông y, trái tắc có tác dụng hóa đờm hạ khí, chữa ho do phong hàn, hen suyễn, cảm, sổ mũi, ho.
Có thể chế biến tắc thành nhiều dạng để chữa bệnh:
- Tắc chưng đường phèn hoặc mật ong (rất tốt cho trẻ em): 2 trái tắc chín, cắt làm đôi, cho vào chén cùng với ít đường phèn hoặc mật ong, đem hấp chín, nghiền nát, để nguội uống 3 lần trong ngày.
- Tắc, gừng, tần dày lá, chưng đường phèn hoặc mật ong: 2 trái tắc cắt đôi, khoảng 10 lá rau tần xắt nhỏ, thêm 3 lát gừng mỏng, hấp chung với một muỗng mật ong hoặc ít hạt đường phèn, chưng cách thủy trong 10 phút. Nên uống nước thuốc lúc còn ấm, mỗi ngày uống 2-3 lần.
- Tắc ngâm đường: Khoảng 1kg tắc, lựa trái vàng đều, rửa sạch, thái mỏng, bỏ hột, xếp vào lọ. Cứ một lớp tắc lại rải một lớp đường phèn, sau đó đậy nắp kín đến khi thấy có dung dịch sệt như xi rô. Pha nước ấm quậy đều uống và nhai luôn cả vỏ có tác dụng chữa ho, thông phế.
- Tắc muối: Tắc mua về rửa sạch, đem phơi một nắng cho hơi héo da, bỏ vào hũ sành hoặc lọ thủy tinh lớn. Cứ 1 chén tắc, phủ lên 1/2 chén muối sạch, tiếp tục từng lớp cho đến khi đầy hủ, đậy kín nắp, đem ra phơi nắng. Khi nào thấy nước tắc tươm ra vàng ươm, trái tắc trở màu nâu vàng là dùng được. Nên thêm vào 50g cam thảo càng tốt. Tắc muối chữa các bệnh ho, hen suyễn, khò khè rất hiệu quả.
2. Tần dầy lá
Còn gọi là rau thơm lông, hay được dùng để nêm canh chua. Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đó, nên hái lúc trời khô ráo. Rau tần có chứa tinh dầu carvacrola và một chất màu đỏ là colein đều có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng hầu họng, mũi.
Theo y học cổ truyền, rau tần có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi phế, trừ đờm, giải cảm, phát hãn. Dùng tươi (5-10 lá) mỗi ngày, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác như gừng, bạc hà, tràm, tía tô, củ sả…
Đơn giản hơn là nhai sống với tí muối, giã lấy nước uống hoặc hãm nước sôi; có thể chưng với tắc, vỏ quýt, gừng, đường phèn, để chữa ho, viêm họng, khan tiếng, cảm cúm, sổ mũi. Trẻ bị ho do viêm họng khi trời lạnh nên lấy 4-5 lá đem cắt nhỏ, cho vào chén chưng cách thủy với vài hạt đường phèn rồi lấy nước cho trẻ uống từng chút, chia nhiều lần trong ngày.
3. Cây thuốc dòi
Còn gọi là cây bọ mắm có tác dụng chữa cảm, ho, viêm họng. Dùng khoảng 8-16g lá khô (50g lá tươi), nấu nước cho trẻ uống mỗi ngày.
4. Rau tía tô
Dùng 10g lá hoặc hạt tía tô sắc lấy nước uống chữa ho khò khè ở trẻ nhỏ.
5. Gừng
Khi có triệu chứng khó chịu như đau rát cổ họng, ho nhiều và đau tức ngực, hãy thử dùng 1-2 tách trà gừng ấm pha với ít nước cốt chanh và mật ong, đảm bảo bệnh cảm sẽ nhanh chóng biến mất nhờ tác dụng kháng viêm, chữa ho và làm sạch cổ họng, giữ ấm cơ thể của gừng.
6. Tràm
Lá Tràm có vị cay, tính ấm, mùi thơm dễ chịu, tác dụng làm ra mồ hôi, giảm ho, trừ thấp, giảm đau. Thường dùng cành lá tươi sắc hoặc hãm nước sôi uống với liều 20g trong 1 lít, có tác dụng chữa các chứng sổ mũi, hắt hơi, ngạt mũi, nhức đầu, sốt, đau nhức mình mẩy, ho có đờm, ăn uống không tiêu.
7. Sả
Các bài thuốc dân gian thường nhắc đến công dụng của trà sả, có công dụng chữa cảm lạnh và ho bằng cách kết hợp lá sả non, mật ong, hạt tiêu, quế, nước cốt chanh và lá bạc hà. Loại trà sả hỗn hợp này làm thông mũi họng, giúp người bệnh dễ hít thở hơn, giữ ấm toàn thân và làm dịu cơn ho rất hiệu quả.
DS. Lê Kim Phụng - Nguyên GV ĐH Y Dược TPHCM