Ông Nguyễn Út (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết một trong những mục tiêu cơ bản thành phố thực hiện trong chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) giai đoạn 2011-2015 là duy trì mức sinh thấp, hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số để năm 2015, Đà Nẵng có quy mô dân số dưới 1,2 triệu dân.
Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Út về những thuận lợi, khó khăn trong công tác dân số của Đà Nẵng.
* Thưa ông, ngành y tế đã có những chỉ đạo gì để duy trì mức sinh thấp hợp lý trong thời gian tới, trong khi Đà Nẵng đã đạt được mức sinh thay thế?
- Đà Nẵng đã và đang duy trì mức sinh thay thế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự chênh lệch mức sinh và tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên ở các địa phương nghèo, khó khăn, miền núi, ven biển còn rất cao.
Vì vậy, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm nay, Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức mít-tinh vào ngày 18-12 tại huyện Hòa Vang, nơi có mức sinh và tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên còn cao, nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân về công tác DS-KHHGĐ. Ngoài ra, ngành đã chỉ đạo một số nội dung cụ thể nhằm làm tốt công tác này.
Trong đó, lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ; tăng cường huy động và đầu tư các nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ, nhất là trong những năm tới, khi nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hạn chế và ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm.
Triển khai tốt công tác DS-KHHGĐ năm 2015, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2015, hướng đến xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, duy trì mức sinh thấp, hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số để hoàn thành xuất sắc mục tiêu quy mô dân số thành phố Đà Nẵng dưới 1,2 triệu dân vào năm 2015 và có cơ cấu dân số hợp lý. Tăng cường các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, khống chế tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 110 bé trai/100 bé gái vì sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố.
Đó cũng chính là một trong những mục tiêu cơ bản mà thành phố thực hiện trong chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, chuyển đổi hành vi, kết hợp triển khai tốt chiến dịch truyền thông lồng ghép với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thuận tiện cho người dân trên địa bàn thành phố.
Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền ở vùng khó khăn, các đối tượng khó tiếp cận, nhóm yếu thế nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành về DS-SKSS. Mở rộng giáo dục về DS-SKSS, giới tính, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Đưa nội dung DS-KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngành y tế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ dân số, chăm sóc SKSS; đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, nhất là dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, các biện pháp tránh thai lâm sàng; xây dựng khoa Lão tại các Trung tâm Y tế quận, huyện và tiến tới việc thành lập Bệnh viện Lão khoa thành phố nhằm mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Vấn đề cuối cùng là phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở để có đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
* Công tác tuyên truyền để người dân chấp nhận sinh ít con hiện nay gặp những khó khăn nào?
- Trong những năm qua, thành phố đã phối hợp các cơ quan truyền thông và sử dụng đa dạng các loại hình tuyên truyền để vận động, giáo dục đến từng gia đình, người dân. Ngoài ra, còn triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương, đơn vị, cộng đồng dân cư; cung cấp cho đối tượng vị thành niên, công nhân, các cặp nam nữ thành niên chuẩn bị kết hôn kiến thức về dân số, nội dung về chăm sóc SKSS cho các cặp vợ chồng trẻ với thông điệp: Dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt.
Tuy nhiên, hiện nay kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ cho hoạt động truyền thông bị cắt giảm nhiều nên muốn tổ chức nhiều hoạt động thì cũng không có đủ nguồn lực. Vì vậy, rất cần sự phối hợp vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các đoàn thể.
* Theo ông, điểm nổi bật nhất của công tác dân số của thành phố Đà Nẵng trong năm 2014 là gì?
- Điểm sáng của công tác dân số là hệ thống tổ chức và nguồn nhân lực ngày càng ổn định, chuyên nghiệp. Chúng ta đã tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới tổ chức DS-KHHGĐ từ tuyến thành phố đến các quận, huyện, phường, xã. Đặc biệt, đã tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ công tác viên DS-SKSS hoạt động ngày càng hiệu quả.
Về tài chính, mặc dù kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm nay bị cắt giảm trên 40% nhưng chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ từ các địa phương rất lớn, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từng bước được bổ sung. Năm 2014, chúng ta đã trang bị thêm các phương tiện hiện đại như máy siêu âm màu 4 chiều cho Trung tâm Y tế Hải Châu, dụng cụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hình thành Trung tâm sàng lọc sơ sinh. Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã bước đầu triển khai thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số của thành phố.
Ngoài ra, nhận thức của cả hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân về công tác DS-KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực; chủ trương xã hội hóa với phương thức tiếp thị xã hội, các phương tiện tránh thai ngày càng được đồng thuận cao và thực hiện thành công, các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt và vượt như: giảm tỷ suất sinh thô; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba đều đạt và vượt kế hoạch; duy trì, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố <110. Chất lượng dân số ngày một nâng cao. Trong năm, không có tử vong mẹ; các tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đều giảm so với năm 2013.
* Xin cảm ơn ông!
BÌNH AN thực hiện