.

Quyền được bú sữa mẹ của trẻ nhỏ

.

Việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ sớm và duy trì liên tục trong 2 năm đầu đời để bảo đảm dưỡng chất phát triển, tăng sức đề kháng giờ đây không chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo chung chung, mà đã trở thành “quyền của trẻ” thông qua nghị định mới của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2015.

Nghị định số 100 quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo được các tổ chức quốc tế đánh giá là cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tại buổi phổ biến nghị định nói trên diễn ra ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc Dự án quốc gia Alive&Thrive (Nuôi dưỡng và Phát triển) đều cho rằng, quá trình 3 năm xây dựng và ban hành một văn bản như Nghị định 100 thực sự là hành trình đầy thách thức.

Bởi việc triển khai các điều luật nhằm thúc đẩy “quyền được bú sữa mẹ” của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời đụng chạm trực tiếp đến hoạt động của các công ty sản xuất sữa và sản phẩm dinh dưỡng, bình bú, vú ngậm nhân tạo. Đây được coi là cuộc “tranh đấu” trong việc làm sao dung hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Và cuối cùng, chính thức từ đầu tháng 3-2015, rất nhiều điều luật được thi hành (không cần thông tư hướng dẫn) nhằm đưa việc trẻ được bú mẹ hoàn toàn trở thành thói quen hằng ngày của mọi gia đình. “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” vẫn là câu bắt buộc phải có trên nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; đồng thời hy vọng trở thành câu nằm lòng và kiên định trong tâm khảm các bà mẹ trong hành trình nuôi con.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã dùng một từ khá hình tượng để mô tả nghị định lần này, đó là “Đẹp”. Một nghị định đẹp khi chất chứa tình thương yêu đối với trẻ em. So với các quy định trước liên quan đến việc hỗ trợ trẻ bú mẹ, nghị định lần này có nhiều điểm khác biệt và chặt chẽ hơn như nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 2 tuổi (Nghị định số 21/2006 chỉ cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 1 tuổi); cấm sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ trong quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức và sữa dùng cho phụ nữ mang thai vì liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền được bú mẹ của trẻ em.

Nghị định không hạn chế quyền kinh doanh, sản xuất sữa, nhưng quảng cáo thì bị nghiêm cấm. Khi nghị định được thi hành, hình ảnh những em bé rạng rỡ, thông minh tuyệt vời, lớn nhanh như thổi bên… lon sữa bột sẽ không xuất hiện đầy rẫy như hiện nay. Các bà mẹ hay gia đình họ không còn bị những lời có cánh từ sữa công thức “quyến rũ”. Và các công ty sữa cũng hết cơ hội tài trợ cho bất kỳ hoạt động nào nhằm thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, suy dinh dưỡng thể thấp còi tưởng không còn phổ biến tại nước ta. Thế nhưng, qua khảo sát, nhiều tỉnh, thành phố vẫn có trẻ suy dinh dưỡng thấp còi với tỷ lệ cao (có nơi lên đến 44%). Một trong những sai lầm của bà mẹ là không nuôi con bằng sữa mẹ. Thậm chí, tại các cơ sở y tế từng tồn tại hiện tượng chính nhân viên y tế trở thành nhân viên… tiếp thị, quảng cáo cho các hãng sữa.

Điều quan trọng, như đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), dù nghị định có hay như thế nào nhưng nếu không được thực thi nghiêm túc thì cũng chỉ là những con chữ trên giấy không hơn không kém. Vậy với nghị định này, ai là người thực hiện? Trách nhiệm thuộc về đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở y tế; thầy thuốc, nhân viên y tế và các bộ, ngành, UBND các cấp.

Tuy nhiên, trên tất cả, người mẹ có vai trò lớn nhất trong việc biến những mục đích nhân văn từ văn bản trở thành hiện thực. Nếu mẹ kiên quyết và đầy tự tin vào dòng sữa tự nhiên do chính mình “sản xuất” thì chẳng có ai đủ sức cạnh tranh với mẹ. Trong trường hợp mẹ… không chịu cho con bú thì cũng chưa có quy định nào xử phạt mẹ. Thế nên, có thể nói, mẹ có quyền lực tối cao trong việc quyết định con bú sữa gì. Mẹ hãy cho con bú “sữa mẹ” bởi con là con của mẹ. Con có quyền được hưởng nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất, đó chính là sữa mẹ chứ không phải là bất kỳ nguồn sữa thay thế nào khác.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.