Thành quả của cách mạng sinh học
Nhờ công nghệ di truyền, con người tạo ra nhiều vật nuôi, cây trồng mới gọi là sinh vật biến đổi gene (SVBĐG, GMO). Các SVBĐG thường có những khả năng vượt trội như năng suất cao, dinh dưỡng nhiều, chống sâu rầy khỏe… Thực phẩm biến đổi gene (TPBĐG, GMF) là thức ăn từ SVBĐG này.
Kiwi: trái ngon nhờ biến đổi gene. |
Hiện tại, thế giới có đến 6 tỷ người, dự đoán sẽ tăng từ 8 đến 10 tỷ vào giữa thế kỷ XXI. Dân số tăng, nguồn thực phẩm phải tăng tương ứng. Do đó, theo GS, TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, cách giải bài toán dân số - lương thực này là: “Sử dụng TPBĐG là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần”.
Trên thế giới, TPBĐG đã được đưa vào sử dụng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, như đậu nành, bắp ngô, cải dầu và dầu hạt bông. Mãi đến 2006, mới có nghiên cứu gắn gen của giun tròn vào lợn để tăng khả năng tạo a-xít omega-3, và biến đổi gene để lợn tăng hấp thu phospho trong thực phẩm… Danh sách TPBĐG ngày nay đã khá dài: đậu nành, bắp ngô, dầu hạt bông, rau alfalfa, đu đủ Hawai, cà chua, khoai tây, khoai sọ, cải dầu, mía, củ cải đường, lúa gạo, nhộng tằm…
Diện tích nuôi trồng SVBĐG, kể từ năm 1997 đến nay đã tăng lên gấp 80 lần, từ 17.000km2 đến 1.340.000km2. Trước đây, SVBĐG chủ yếu ở Bắc Mỹ, gần đây phát triển nhanh chóng ở nước nghèo, đang phát triển. TPBĐG toàn thế giới đã tăng đến 95%. Mỹ (46%), Brazil (16%), Argentina (15%), Ấn độ (6%), Canada (6%), Trung Quốc (3%), Paraguay (2%) và Nam Phi (2%). Ở Mỹ, ba phần tư fast food có TPBĐG, đặc biệt 93% đậu nành, 93% bông, 86% bắp ngô và 95% củ cải đường là loại biến đổi gene.
Từ năm 2005 đến nay, TPBĐG đã dần dần hiện diện trên thị trường cũng như trong bữa ăn người Việt. Bộ NN-PTNT nhận định nhu cầu TPBĐG sẽ tăng nhanh ở nước ta. Nhiều nghiên cứu SVBĐG được tiến hành tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh học nhiệt đới… Tuy còn chưa được áp dụng đại trà, nhưng trong phòng thí nghiệm, chúng ta cũng đã chuyển thành công các gene kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu, gene tăng tổng hợp provitamin A, v.v… vào lúa, bắp cải, ngô, đu đủ, hoa…
An toàn sức khỏe và quản lý thực phẩm
Về TPBĐG, có hai vấn đề “nóng”, nhiều tranh cãi: một là vệ sinh, độ an toàn và hai là quản lý, bảo vệ người tiêu dùng.
*Về an toàn thực phẩm
Đến nay, chưa có bằng chứng TPBĐG có hại cho sức khỏe và môi trường sống. Tỷ lệ dị ứng TPBĐG và thực phẩm truyền thống là ngang nhau và thường do cơ địa cá nhân. Một số nhà khoa học Nga, Pháp và Áo khảo sát khả năng đậu nành biến đổi gene ảnh hưởng lên sự sinh sản của chuột, với kết quả là “theo dõi thêm”!.
Theo GS, VS Vũ Tuyên Hoàng: TPBĐG không đáng phải sợ. Ảnh hưởng lên con người ở các nước sử dụng nhiều TPBĐG như Mỹ, Brazil, Argentina, Canada… chưa đáng kể.
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận định: Không nên coi TPBĐG là cái gì đó quá kinh khủng. PGS, TS Trần Linh Thước, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM cho biết: “Có thể thấy sự hiện diện của SVBĐG trong đậu nành, bắp rẻ nhập từ Mỹ nơi người ta sử dụng phổ biến TPBĐG. Rủi ro trên thực tế rất ít xảy ra, và chưa có bằng chứng khoa học để kết luận”.
* Về quản lý và bảo vệ người tiêu dùng:
Các nước có cách quản lý TPBĐG khác nhau: (1) EU rất chặt chẽ, chứa ≥ 0,9% SVBĐG phải có nhãn mác, (2) Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, ≥ 1 - 5% mới dán nhãn, (3) Hoa Kỳ, Argentina, Canada, Malaysia, Philippines… không dán nhãn mác, TPBĐG được xem như thực phẩm thông thường. Ở nước ta tuy TPBĐG mới xuất hiện gần đây, nhưng các nhà quản lý cũng đã có những quy trình kiểm soát nhất định.
Thay lời kết
Dân số tăng, thực phẩm phải tăng theo. Do đó, TPBĐG sẽ là công cụ “mũi nhọn”, để làm “cuộc cách mạng xanh thứ 2” để giải quyết nạn đói. GS, TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, khẳng định: “Sử dụng TPBĐG là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần”. Chuyên viên kinh tế Paul Collier, ĐH Oxford ví von: “Biến đổi gene tương tự như điện hạt nhân: không ai thích nó cả, nhưng tình thế thay đổi nên con người buộc phải chấp nhận nó”, hơn nữa “TPBĐG giúp thu hoạch nhanh hơn và chất lượng tốt hơn dùng hóa chất nguy hại”.
Cần lưu ý, trong tự nhiên, cây cỏ cũng có quá trình tiến hóa, đột biến (mutation), lai tạo ngẫu nhiên… chứ không phải vật lai, đột biến đều nguy hại cả. Nhờ biến đổi gene, cây lý gai hoang dại không ăn đã được chuyển thành cây Kiwi cho nước rất ngon. Hạt cải dầu (rapeseed, canola) được trồng khá lâu đời ở Ấn Độ, gần đây được chuyển đổi gene để loại bỏ a-xít erucic độc hại và khử mùi để cho loại dầu ăn được’
Lưu ý rằng, ông cha ta đã từng lai tạo giống từ rất lâu đời, biến đổi gene là cách “tạo giống” mới, nhanh hơn, tốt hơn của các nhà khoa học nông nghiệp hiện đại.
TS, BS TRẦN BÁ THOẠI
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam (VADE) Trưởng khoa Quốc tế Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng