Sàng lọc sơ sinh (SLSS), hiểu nôm na là lần khám tổng quát đầu tiên ngay sau lọt lòng của đứa trẻ và có giá trị cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển về sau của mỗi con người.
Về nguyên lý khoa học, SLSS là phát hiện sớm bệnh lý trước khi có triệu chứng. Đương nhiên, sự phát hiện phải đi liền với điều trị, bởi nếu thấy bệnh rồi… để đó thì sự sàng lọc trở nên vô nghĩa.
Trẻ cần được sàng lọc ngay sau sinh để kiểm tra các nguy cơ mắc bệnh hoặc dị tật. TRONG ẢNH: Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. |
Sàng lọc sơ sinh tốt lên từng ngày
Từ 5% trẻ em tại Đà Nẵng được SLSS vào năm 2011, đến năm 2014, riêng tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi, số trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 70%. Theo các chuyên gia nước ngoài thuộc các đơn vị tài trợ cho dự án SLSS Đà Nẵng, công tác SLSS của thành phố đang tốt lên từng ngày, bởi số trẻ được tham gia “khám tổng quát sau sinh” tăng lên theo thời gian.
Theo bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, công tác SLSS tại Đà Nẵng được thực hiện 3 năm nay với việc sàng lọc 3 bệnh chính: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD và tăng sản thượng thận bẩm sinh. Chương trình này thuộc đề án của thành phố và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ sơ sinh trước đây được sàng lọc rất thấp. Điều này cho thấy còn một số lượng lớn trẻ em trên địa bàn chưa được sàng lọc.
Lý giải cho thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Sơn cho rằng, xuất phát từ những khó khăn khi SLSS trước đây phải thực hiện tại Trung tâm SLSS Huế. Việc chuyển mẫu máu đi xa dẫn đến chất lượng kết quả xét nghiệm không bảo đảm và sự cập nhật kết quả, theo dõi, quản lý không thuận tiện.
Từ tháng 5-2014, một trung tâm SLSS được ra đời ngay tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Dự án toàn diện tích hợp hỗ trợ người khuyết tật của USAID - Hoa Kỳ. Sau thời gian Trung tâm hoạt động, không chỉ số lượng trẻ em Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi được sàng lọc tăng lên đáng kể, mà còn có một đội ngũ cán bộ y tế gồm 3 bác sĩ cùng 50 nữ hộ sinh, điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị, tư vấn các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền. Trong năm 2015, sẽ có thêm 6 bác sĩ và 4 điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu, nhằm phát triển hoạt động SLSS bền vững trong tương lai.
Sàng lọc nhìn từ nước Anh
Đến từ Đại học CCCU (Canterbury Christ Church University) của Anh, bác sĩ Andrew Lyon khá gắn bó với Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng trong việc chia sẻ kiến thức SLSS. Theo bác sĩ Andrew Lyon, ở Anh, SLSS trở thành chuyện thường xuyên, liên tục và được quản lý bằng hệ thống chặt chẽ.
Một đứa trẻ sẽ được sàng lọc ngay trong bụng mẹ thông qua xét nghiệm máu và siêu âm. Thậm chí, việc sàng lọc được thực hiện trước khi người mẹ đó thụ thai. Việc lấy máu gót chân để phát hiện 5 bệnh cơ bản và một số bệnh khác về rối loạn chuyển hóa được thực hiện vào ngày thứ 5-8 sau sinh. 24 giờ và 72 giờ sau sinh, trẻ được làm một số kiểm tra và tái khám để sàng lọc bệnh tim. Trong 2 tuần đầu sau sinh, đặc biệt là khoảng thời gian còn nằm viện, trẻ được sàng lọc thính lực. Một số trẻ trong nhóm này sau đó được kiểm tra sâu hơn để phát hiện đúng dị tật.
Tất cả quy trình này đã là hoạt động thường quy ở Anh, nghĩa là hầu hết mọi đứa trẻ đều qua cuộc kiểm tra khá đầy đủ trước khi xuất viện.
Theo bác sĩ Andrew Lyon, điều quan trọng hơn của công việc sàng lọc là công tác điều trị. “Sàng lọc sẽ không có ý nghĩa gì nếu phát hiện bệnh mà không can thiệp”, vị bác sĩ này nói. Vì thế, các phòng xét nghiệm cần có sự liên kết với phòng sinh, và công tác SLSS phải được thực hiện có hệ thống.
Tại Đà Nẵng, mới đây, Sở Y tế có quyết định cho phép Bệnh viện Phụ sản - Nhi sàng lọc trẻ sinh tại các quận, huyện trên cơ sở thu phí. Một phần mềm sẽ được phát triển nhằm kết nối hệ thống thông tin của Bệnh viện Phụ sản - Nhi với 2 bệnh viện quận thí điểm thực hiện mô hình này là Hải Châu và Cẩm Lệ. Trong tương lai, việc kết nối sẽ mở rộng đến 5 quận, huyện còn lại. Phần mềm này cũng sẽ hỗ trợ Bệnh viện Phụ sản - Nhi mở rộng phạm vi công việc thành trung tâm cấp vùng, có thể kết nối với các tỉnh lân cận.
Bài và ảnh: THU HOA