Sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, tiêu chảy, v.v... là những bệnh trẻ em thường gặp khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh.
Phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng khi nào nên cho trẻ ở nhà, khi nào đưa trẻ đến bác sĩ. |
Đặc biệt, một đứa trẻ có thể mắc nhiều bệnh trên cùng lúc, hoặc vừa xong bệnh này lại chuyển sang bệnh khác khiến phụ huynh phải “xoay vòng” chống bệnh thời tiết cho con.
Đau đầu với chuyện ốm đau của trẻ
Những đợt lạnh liên tiếp tràn về cũng là thời điểm các ông bố, bà mẹ đau đầu với chuyện đau ốm của con trẻ.
Một bà mẹ có con 3 tuổi cho hay: “Cháu sốt cao liên tục và không chịu ăn uống. Tôi đưa cháu đi khám ở một phòng mạch tư nhân thì được chẩn đoán viêm họng. Kèm theo đó, bác sĩ cho một chai kháng sinh Zinnat 125mg cùng một số thuốc khác. Thật lòng, cho con uống kháng sinh, tôi cũng thấy xót nhưng đâu biết làm gì tốt hơn cho con. Sau 5 ngày dùng thuốc, con hết sốt, hết đau họng, chưa kịp mừng thì cháu lại chuyển sang ho ngày, ho đêm. Tôi lại phải đưa con đi khám. Lần này, bác sĩ nói họng cháu đã ổn. Ho là do bị hen…”.
Nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng than thở khi trong nhà các con đồng loạt rủ nhau ốm. Những phương thuốc dân gian thông thường như: mật ong, chanh, nén, v.v… dường như không đủ “đô” trước sự khắc nghiệt của thời tiết mùa này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng, bệnh xảy ra vào mùa đông thường liên quan đến 3 nhóm chính: thứ nhất là bệnh đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, phế quản phế viêm); thứ hai là nhóm bệnh bị kích ứng bởi thay đổi thời tiết (hen phế quản, viêm mũi dị ứng); thứ ba là nhóm bệnh gây ra bởi các virus đặc biệt (rubella, sởi, thủy đậu, quai bị, sốt xuất huyết, tiêu chảy do Rotavirus…).
Trong đó, bệnh thường gặp nhất vào mùa đông là cảm lạnh, còn gọi viêm mũi họng cấp hoặc viêm long hô hấp trên. Tối đa một đứa trẻ có thể bị bệnh này 8 lần/năm, đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi.
Thận trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ
Điều làm nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng là việc cho con dùng thuốc như thế nào khi mắc các bệnh thời tiết. Không đủ kiên nhẫn và yên tâm đợi bệnh tự giảm, nhưng tự mua thuốc hoặc đưa con đi khám, khả năng trẻ được chỉ định dùng kháng sinh gần như khó tránh khỏi. Vì vậy, không ít phụ huynh rơi vào tình trạng không chữa bệnh cho con thì lo, chữa bệnh lại thấp thỏm với thuốc, nhất là khi trẻ cứ đến chuyển mùa là đau ốm liên miên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân cho rằng, các bệnh mùa đông đa phần tự khỏi. Vì vậy, không nên dùng kháng sinh cho trẻ, trừ trường hợp biến chứng viêm phế quản bội nhiễm hay viêm phổi; không dùng thuốc giảm ho và kháng histamine để giảm xuất tiết mũi cho trẻ dưới hai tuổi.
Thay vào đó, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và sử dụng hút mũi để làm trẻ đỡ nghẹt; đồng thời, cho trẻ nghỉ ngơi, mặc ấm, sử dụng thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, nhất là cho trẻ uống nhiều nước ấm và nước trái cây.
Dù bệnh mùa đông đa phần tự khỏi nhưng bác sĩ Vân khuyến cáo phụ huynh thận trọng trong vấn đề tự điều trị tại nhà. Việc điều trị tại nhà theo phương pháp, kinh nghiệm dân gian hoặc qua kiến thức tự tìm hiểu trên Internet còn phổ biến. Có một số bệnh tự khỏi mà không cần dùng thuốc như viêm long hô hấp trên khiến cha mẹ dễ chủ quan cho rằng cách mình đang “tự chữa” cho con là đúng. Hậu quả là trẻ có thể bị bệnh kéo dài, lờn thuốc, ngộ độc thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đơn giản nhất như sử dụng thuốc hạ sốt. Hiện nay, trên thị trường có nhiều chế phẩm phối hợp nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc cảm kèm hạ sốt. Khi trẻ bị cảm, cha mẹ tự mua các loại thuốc này cho con uống, kèm theo với paracetamol đơn độc. Do vậy, trẻ bị dùng paracetamol vượt quá liều cho phép và có thể gây ngộ độc gan phải cấp cứu. Có những trường hợp trẻ bị tiêu chảy, người nhà tự cho uống thuốc có chứa opium (thường rất hiệu quả cho người lớn). Hậu quả là trẻ có thể hôn mê, ngừng thở.
Vì vậy, việc quyết định khi nào nên để trẻ ở nhà, khi nào nên đi khám cần sự thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng của các bậc cha mẹ. Bác sĩ Vân lưu ý một số trường hợp phải cho trẻ đi khám đó là sốt kéo dài quá 3 ngày, trẻ quá mệt, li bì, đau đầu, ăn uống kém, nôn mửa nhiều, đau họng nhiều, khó nuốt, ho nhiều đàm, khó thở, đau tai, chảy mủ tai v.v…
Bài và ảnh: TOÀN VÂN