Tròn nửa tháng Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung chính thức triển khai, một số quy định của luật này nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó có không ít tâm tư của người bệnh.
Bệnh nhân ngoài tỉnh vẫn vượt tuyến đến Bệnh viện Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một bệnh nhân ngoài tỉnh lấy phiếu thứ tự tại khu chờ khám. (Ảnh chụp sáng 14-1) |
Luật BHYT 2015 quy định bệnh nhân phải tự trả tiền khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến diện ngoại trú ở những bệnh viện tỉnh, trung ương. Đây được cho là giải pháp nhằm giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.
Thực tế qua hơn 10 ngày luật BHYT bổ sung, sửa đổi chính thức được triển khai, số lượng bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến… không hề giảm. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bệnh nhân đến nay vẫn không hay biết có quy định mới này.
Biết tốn tiền, vẫn vượt tuyến
Đứng trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng sáng 12-1 với hộp thuốc RB 25 điều trị viêm gan, anh Võ Ngọc Trình (32 tuổi, đến từ xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi bắt xe đò ra Bệnh viện Đà Nẵng từ 3 giờ sáng, nhưng tới nơi thì thấy bệnh nhân chờ khám đông quá nên… ra ngoài khám tư cho nhanh”.
Chỉ tay về phòng khám bác sĩ Q. cách Bệnh viện Đà Nẵng không xa, anh Trình lý giải: “Năm 2014, tôi từng nằm điều trị viêm gan B 9 ngày tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh tôi giảm rõ rệt, giờ thì đi tái khám. Tôi có BHYT đăng ký ban đầu ở xã Bình Hiệp, nhưng mình vượt tuyến nên có BHYT cũng đâu được thanh toán đồng nào. Khám tư hay công cũng tốn tiền, thôi thì chọn chỗ nào đỡ xếp hàng cho khỏe”.
Anh Trình nhẩm tính, chuyến đi tái khám lần này, anh chi phí tổng cộng hơn 500.000 đồng, bao gồm 90.000 đồng tiền xe, 180.000 đồng công khám và 250.000 đồng cho hộp thuốc.
Cũng lặn lội từ rất sớm đi tái khám tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, một bệnh nhân nữ 40 tuổi đến từ Đắc Nông buồn rầu cho biết: “Như bao lần khám trước đây, tôi mang theo giấy chuyển viện photo. Vì không biết quy định từ năm 2015, bệnh nhân phải có giấy chuyển viện mới, và không được dùng bản photo của năm cũ, nên tôi gặp trở ngại về mặt thủ tục. Để khỏi mất công quay về Đắc Nông xin lại giấy chuyển viện đúng quy định, tôi đành chấp nhận khám vượt tuyến, nghĩa là khám dịch vụ và phải tự chi trả hoàn toàn cho lần tái khám này. Mỗi lần tái khám tốn đến vài triệu đồng, vì tôi làm nhiều xét nghiệm kiểm tra”.
Không biết có... luật BHYT mới
Bên cạnh những bệnh nhân biết sẽ tốn tiền nhưng vẫn “bấm bụng” vượt tuyến, còn có không ít người bệnh đến thời điểm này vẫn cho rằng, khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến ở bệnh viện tỉnh vẫn được BHYT chi trả như trước đây.
Lấy số thứ tự 344 và đợi một khoảng thời gian khá lâu để chuẩn bị được gọi tên, bà Bùi Thị Sửu (62 tuổi) mới “ngã ngửa” khi biết rằng kể từ nay, tấm thẻ BHYT đăng ký ở Trung tâm y tế quận Hải Châu của bà không được đồng chi trả ở Bệnh viện Đà Nẵng nếu bệnh nhân tự ý vượt tuyến. Trước đó vài phút, bà Sửu còn chia sẻ: “Tôi định đi xin giấy chuyển viện nhưng ngại phải lòng vòng với mấy cái giấy tờ, nên thôi qua thẳng Bệnh viện Đà Nẵng khám rồi chịu 70% cũng được”.
Được cán bộ y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng tư vấn về những thay đổi của luật BHYT, bà Sửu mới hay, để đỡ tốn kém thì chỉ còn cách chịu khó quay về nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu là Trung tâm y tế Hải Châu để xin giấy chuyển viện.
Tương tự trường hợp bà Sửu, bà Trần Thị Sang (76 tuổi) cũng không biết tự ý vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh, đồng nghĩa phải tự chịu 100% chi phí khám chữa bệnh. Điều đáng nói, bà Sang được đến 3 người con tháp tùng đi khám bệnh, nhưng tất cả các con cũng… không biết gì về sự thay đổi của luật BHYT 2015. Nghe chuyện bà Sang đi khám amidan vượt tuyến, một số người xung quanh chia sẻ về cách tính mới của BHYT, lập tức các con của bà Sang đồng thanh ngỡ ngàng: “Có chuyện nớ thiệt hả?”.
Bệnh nhân vượt tuyến không giảm
Theo luật trước đây, bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú vượt tuyến được BHYT thanh toán từ 30%, 50% hoặc 70% tùy theo hạng bệnh viện. Đối với trường hợp Bệnh viện Đà Nẵng, vì là bệnh viện hạng I nên mức thanh toán vượt tuyến là 30-70, nghĩa là người bệnh chịu 70%.
Quy định mới buộc bệnh nhân tự chi trả hoàn toàn nếu khám ngoại trú vượt tuyến nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, “bài thuốc” giảm quá tải này dường như khó có thể phát huy tác dụng, khi bệnh nhân vì nhu cầu khám chữa bệnh vẫn sẵn sàng bất chấp quy định. Thống kê từ Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến không giảm.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng: Trước ngày 1-1-2015, mỗi ngày trung bình có 219 bệnh nhân khám yêu cầu kể cả bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (bệnh nhân yêu cầu tự trả tất cả chi phí khám chữa bệnh, bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến trả 70% chi phí khám chữa bệnh).
Sau ngày 1-1-2015, mỗi ngày trung bình có 263 bệnh nhân khám yêu cầu. Con số này tăng lên, trong đó bao gồm cả bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến. Điều này cũng phần nào cho thấy rõ số lượng bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến không hề giảm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hà cho biết thêm, để bệnh nhân được tiếp cận thông tin thay đổi, bổ sung của luật BHYT, Bệnh viện đã cho dán các thông báo bằng khổ chữ lớn trước khu vực lấy số thứ tự. Bên cạnh đó, một cán bộ y tế được bố trí ngồi ngay phía ra vào cổng phòng khám để tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh.
Bệnh viện còn triển khai nhiều biện pháp như: tổ chức các buổi tập huấn về luật mới, ban hành văn bản hướng dẫn đến tận khoa phòng, ban điều hành BHYT thường trực giải đáp, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc liên quan đến luật BHYT, đồng thời tăng cường đội ngũ giải thích hướng dẫn liên hoàn từ khâu đón tiếp, đăng ký khám, khám bệnh, đăng ký nhập viện, đăng ký BHYT, phát thuốc…
Bác sĩ phụ trách công việc tư vấn luật BHYT tại khu lấy số thứ tự chia sẻ: Mấy hôm nay cũng có nhiều bệnh nhân đến thắc mắc, trong đó chủ yếu là việc trái tuyến, vượt tuyến có được đồng chi trả hay không.
Luật BHYT mới không thanh toán cho bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến, vượt tuyến. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân nội trú trái tuyến, vượt tuyến tại Bệnh viện Đà Nẵng, mức thanh toán BHYT sẽ là 40-60. Trong đó, bệnh nhân chịu 40% và BHYT chịu 60%. |
Bài và ảnh: THU HOA