Một điểm rất mới của luật BHYT sửa đổi, bổ sung từ năm 2015 là việc mua BHYT không còn là chuyện “thích” hay “không thích”, mà trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả các hộ gia đình.
Cách tính giá BHYT theo hộ gia đình ưu đãi hơn trước được cho là một giải pháp khuyến khích người dân tham gia BHYT. TRONG ẢNH: Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Quy định thì bắt buộc, nhưng đến nay các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý thẻ BHYT vẫn chưa có chế tài để “buộc” các hộ gia đình phải mua trong trường hợp hộ đó… bỗng dưng không muốn mua.
Tính giá “nhẹ”
So với cách tính giá BHYT hộ gia đình trước đây, luật mới đưa ra mức ưu đãi rõ rệt hơn. Cụ thể, theo luật BHYT cũ từ năm 2008 đến trước năm 2015, người thứ hai trong gia đình sẽ mua BHYT với giá bằng 90% người thứ nhất; người thứ 3, 4, 5 trở đi lần lượt mua ở mức 80%, 70% và 60% người thứ nhất. Theo luật BHYT mới, thành viên thứ hai mua BHYT với giá chỉ bằng 70% người thứ nhất, các thành viên 3, 4, 5 trở đi lần lượt bằng 60%, 50% và 40%.
Một tấm thẻ BHYT cho thành viên thứ nhất của gia đình hiện nay có giá 621.000 đồng. Như vậy, người thứ 5 trở đi trong một hộ sẽ mua BHYT với giá chỉ 248.000 đồng (bằng 40% người thứ nhất). Một cán bộ Bảo hiểm xã hội nói vui mà thật rằng, với giá này, chỉ qua một lần ốm nhè nhẹ là đủ lấy lại vốn.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, cho biết chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng, trong khi đó giá mua BHYT hộ gia đình ưu đãi hơn trước sẽ góp phần giúp người dân dễ dàng chấp nhận quy định mới này. Đến nay, có thể nói Đà Nẵng là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước đạt độ bao phủ BHYT toàn dân khá cao với 92,5%. Tính đến ngày 31-12-2014, toàn thành phố có 925.321 người tham gia BHYT trên tổng số dân tạm tính là 1.000.849 người.
Trong đó, ngân sách Nhà nước chi cho BHYT là 36%, người dân tự bỏ tiền mua BHYT chiếm 64%. “Điều này cho thấy sự tự nguyện mua BHYT của người dân khá tốt và là cơ sở để Đà Nẵng có thể phần nào tự tin trong việc thực hiện quy định BHYT bắt buộc hộ gia đình trong thời gian đến”, ông Văn Phú Long nói.
Chưa có chế tài để “buộc”
Dù có niềm tin về khả năng thực hiện BHYT bắt buộc theo hộ gia đình tại Đà Nẵng, nhưng ông Văn Phú Long vẫn thừa nhận hiện chưa có chế tài nào để “buộc” một hộ gia đình nào đó phải thực thi quy định này trong trường hợp họ không tuân thủ.
Hình thức được áp dụng hiện nay chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Tại hội nghị triển khai luật BHYT mới vừa diễn ra ở Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trước tiên là cán bộ xã, phường thực hiện tốt quy định này.
Theo đó, chậm nhất đến trước tháng 10-2015, UBND các xã, phường sẽ gửi thống kê tổng hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn đến Bảo hiểm xã hội thành phố. Từ năm 2016 trở đi, mỗi tháng các phường, xã gửi thông báo một lần cho Bảo hiểm xã hội thành phố để quản lý số lượng tăng, giảm hộ gia đình.
Từ số liệu thống kê cụ thể, những hộ nào mua, không mua BHYT sẽ được thể hiện. “Một văn bản pháp luật đi vào đời sống cần thời gian để tìm kiếm giải pháp xử lý các vấn đề nảy sinh. BHYT bắt buộc hộ gia đình là một quy định lớn, chạm trực tiếp đến từng nhà, chắc hẳn sẽ gặp nhiều vấn đề không đơn giản. Thông qua những “câu hỏi” mà cuộc sống đặt ra, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ theo đó tìm câu trả lời sát thực tế”, ông Long nói.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là khi thực hiện BHYT toàn dân, BHYT bắt buộc hộ gia đình, nghĩa là số người tham gia BHYT sẽ tăng đáng kể. Như vậy, khả năng cấp trùng thẻ có thể tỷ lệ thuận với số lượng người hay không?
Ông Văn Phú Long khẳng định: Việc cấp trùng thẻ trước đây chủ yếu xảy ra ở đối tượng BHYT trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là mã thẻ cũ và mới chồng chéo nhau. Cách đây 2 tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố đã đưa vào ứng dụng phần mềm chống trùng. Nhờ sự quản lý hiện đại của công nghệ thông tin, sự chồng chéo, trùng lắp khó có thể xảy ra như trước đây.
Mua BHYT hộ gia đình bằng cách nào? Một thành viên của gia đình đến đại lý thu của xã, phường hoặc đại lý thu bưu điện để mua BHYT cho cả nhà. Tất cả thành viên phải mua cùng một nhóm, cùng một lúc, không được mua lẻ từng người với những thời điểm khác nhau. Đối với người tạm trú là thân nhân của hộ gia đình sẽ được ghép vào hộ đó để mua BHYT nhằm hưởng giá ưu đãi. Tuy nhiên, nếu là đối tượng tạm trú thuê trọ thì không được ghép vào gia đình chủ hộ như một thành viên. Trong gia đình, nếu có những thành viên đã tham gia BHYT theo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, v.v..., thì những người còn lại được tính là một hộ gia đình. |
Bài và ảnh: THU HOA