.

Chung tay thực hiện công tác dân số

.

Năm 2014, toàn thành phố giảm tỷ suất sinh thô 0,3%o, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,5%, tổng số người thực hiện các biện pháp tránh thai là 42.397/39.030... “Những con số biết nói” này minh chứng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc (ảnh có tính minh họa).
Chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc (ảnh có tính minh họa).

Lâu nay, vẫn có những người cho rằng, với công tác DS-KHHGĐ, chỉ cần cung cấp các dịch vụ y tế rộng khắp cho người dân là đủ, nhưng thật ra công tác này còn mang tính đặc thù xã hội sâu sắc. Bởi thế, rất cần có sự thống nhất chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác DS-KHHGĐ chính là nhờ sự triển khai đồng bộ chính sách, chủ trương về dân số từ cấp thành phố đến các địa phương, đơn vị.

Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, bên cạnh sự chung tay vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, người dân, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi. Nội dung tuyên truyền về các chính sách DS-KHHGĐ, quy mô gia đình ít con, cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ được triển khai tốt. Đồng thời, Chi cục Dân số tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt chiến lược dân số là xác định đúng đắn vai trò của nữ giới. Xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển thì vị trí của nữ giới càng được đề cao. Khi người nữ có đủ tầm nhận thức, chủ động chăm sóc gia đình và tham gia công tác xã hội thì có quyền quyết định số con trong gia đình và trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái. Dó đó, các ngành và các địa phương đặc biệt chú ý vấn đề nữ giới.

Liên đoàn Lao động thành phố là đơn vị làm tốt công tác nâng cao vai trò, vị trí của nữ giới trong gia đình và xã hội. Theo chị Hoa Lê, Phó trưởng Ban Tuyên giáo nữ công Liên đoàn Lao động thành phố, đơn vị này luôn chú trọng chương trình phối hợp các hoạt động nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công và công nhân, viên chức lao động; luôn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội bằng những hành động cụ thể như tổ chức hơn 150 đợt truyền thông, tập huấn, tuyên truyền về luật lao động nữ, chăm sóc SKSS, DS-KHHGĐ, phòng chống HIV, các tệ nạn xã hội... với gần 13.000 lượt người tham gia.

Liên đoàn Lao động luôn chỉ đạo công đoàn các cấp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép các phong trào thi đua và các chương trình hoạt động hằng năm để phấn đầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Công tác DS-KHHGĐ ở các quận, huyện trong thời gian qua cũng đạt được các chỉ tiêu quan trọng về chăm sóc SKSS, thực hiện gia đình ít con và nâng cao nhận thức xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Điển hình như huyện Hòa Vang là đơn vị đạt thành tích cao của ngành về các chỉ tiêu chính là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Trong chiến dịch truyền thông dân số đợt I, huyện Hòa Vang đã ra quân ngay từ đầu năm với quyết tâm rất cao và đạt chỉ tiêu đề ra là 70% của kế hoạch đợt chiến dịch. Điều này cho thấy, nếu nơi nào có hệ thống chính trị vào cuộc thì nơi đó sẽ đạt được những thành công nhất định về công tác dân số.

Công tác DS-KHHGĐ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, liên tục thì mới thuyết phục được người dân tự giác thực hiện. Từ nâng cao nhận thức đến thay đổi hành vi thực hiện gia đình 1 hoặc 2 con là quá trình không dễ dàng, nhất là ở vùng nông thôn. Mục tiêu duy trì vững chắc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, giảm tỷ suất sinh thô; đồng thời nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được tiến hành thường xuyên, liên tục và cơ bản. Qua đó, đã kiểm soát được tình hình DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố.

MAI HOA

;
.
.
.
.
.