Y học cổ truyền gọi bệnh đái tháo đường là bệnh tiêu khát và chia làm nhiều thể do tỳ, do can, do phế, do thận bị rối loạn chức năng hoạt động mà sinh ra.
Cát căn (bột sắn dây). |
Y học cổ truyền gọi bệnh đái tháo đường là bệnh tiêu khát và chia làm nhiều thể do tỳ, do can, do phế, do thận bị rối loạn chức năng hoạt động mà sinh ra. Nguyên nhân của bệnh là do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân bằng dinh dưỡng sinh uất nhiệt, tâm thần bị tổn thương lâu dài làm suy giảm khí huyết vinh vệ, gây nhiều rối loạn, mất cân bằng âm dương, khí huyết trong cơ thể mà chủ yếu là ở các tạng phế, tỳ, thận. Do đó, chữa bệnh đái tháo đường cần ích phế kiện tỳ, bổ thận, thanh can, giáng hỏa, sinh tân.
Theo Tuệ Tĩnh, bệnh đái tháo đường được phân ra tam tiêu khác nhau:
Bệnh ở thượng tiêu là phổi. Người bệnh uống nhiều, ăn ít, đại tiểu tiện bình thường. Đó là do tâm hỏa nung nấu phế kim mà sinh ra khát.
Bệnh ở trung tiêu là dạ dày. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện vàng đỏ. Đấy là vì dạ dày huyết nhiệt, mau tiêu thức ăn, chóng đói. Trong huyết có hỏa nung đốt thì chất nước khô ráo sinh ra khát.
Bệnh ở hạ tiêu là thận. Người bệnh tiểu tiện đục đặc như cao, phiền khát, uống nước nhiều, dần dần vành tai đen sạm, tiểu tiện nhiều lần.
Một số bài thuốc trị bệnh:
Bài 1 - Mạch môn đông thang: mạch môn, hoàng liên, đông qua (bí đao), mỗi vị đều 80g. Tất cả phơi khô, tán bột. Mỗi lần dùng 20g. Cho thuốc vào nồi, đổ nước 100ml sắc còn 70ml, bỏ bã, uống ấm. Công dụng: Trị bệnh tiêu khát biểu hiện ngày đêm uống nước không ngừng, uống xong lại đi tiểu luôn.
Bài 2 - Qua lâu cát căn phấn tán: qua lâu căn, cát căn phấn (bột sắn dây) lượng 2 vị bằng nhau. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 12g, uống với nước đun sôi để mát, ngày uống 3 lần. Công dụng: Trị tiêu khát.
Bài 3 - Ô mai tán: ô mai nhục 120g sao qua. Ngày dùng 10g, cho thuốc vào nồi, đổ 200ml nước, sắc còn 100ml, lọc bỏ bã rồi cho vào 200 hạt đậu xị, sắc lại lần nữa còn 50ml, bỏ bã, uống ấm khi đi ngủ. Công dụng: trị tiêu khát, người buồn phiền khó chịu.
Theo Hải Thượng Lãn Ông, phàm thủy hỏa trong con người phải được thăng bằng, khí huyết phải được tư dưỡng vận hành thu nạp khắp nơi thì làm gì có bệnh tiêu khát... Phép chữa tất phải chia ra thượng, trung, hạ. Trước hết phải cấp cứu thận: thủy suy thì uống bài Lục vị, hỏa hư thì uống bài Bát vị.
Bài Lục vị: thục địa 8g, sơn thù 4g, sơn dược 4g, mẫu đơn 3g, phục linh 3g trạch tả 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài Bát vị: bài Lục vị thêm nhục quế 1g, phụ tử 1g.
Ngoài uống thuốc, người bệnh nên kết hợp ăn uống để tăng hiệu quả điều trị:
Cháo củ mài: củ mài tươi 120g (khô thì 60g) thái lát mỏng, gạo tẻ vừa đủ nấu cháo ăn lúc nóng.
Cháo đậu xanh: đậu xanh xay 100g, gạo tẻ 200g, gạo nếp 100g. Gạo tẻ, gạo nếp đãi sạch, trộn chung để ráo nước. Đậu xanh ngâm đãi vỏ sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi rồi nhỏ lửa độ 2 giờ. Khi gạo nở nhừ lấy đũa khuấy đều, ăn buổi sáng.
Cháo củ cải: củ cải 250g băm nhỏ, gạo 200g. Gạo vo sạch nấu với củ cải thanh cháo. Ăn nóng trong ngày.
Cháo rau cần: rau cần tươi 60g, gạo tẻ 100g. Làm sạch rau, gạo vo sạch cho cả vào nồi, đổ 1 lít nước, nấu cháo, nêm muối và gia vị vừa ăn. Ăn nóng vào sáng và tối. Trị đái tháo đường và tăng huyết áp.
Cháo cá trê: cá trê 250g làm sạch, thả vào nước sôi luộc, vớt ra lọc xương rồi cho thịt cá vào nước luộc cùng gạo đã vo sạch nấu cháo, cho muối, gia vị bột ngọt vừa ăn. Mỗi ngày 1 bát chia ăn theo bữa cơm. Tác dụng bổ âm khai vị, trị đái tháo đường.
Canh cá chép: cá chép lượng vừa đủ làm sạch nấu với đậu đỏ, thảo quả, trần bì, tiêu bột. Ăn cùng bữa cơm.
Cá chạch kho tiêu: cá chạch 8 - 10 con, cắt đầu đuôi rửa sạch để ráo. Cho cá vào nồi, cho nước hàng, nước mắm, tiêu bột, hành, ướp 20 phút. Bắc lên bếp lửa riu riu, cho mỡ vào. Khi cá sôi đều là ăn được.
Quả dứa 1 quả khoét bỏ cùi, nhét vào 1 cục phèn chua, nướng trên lửa thang cho chín, ăn.
Khoai lang khô tán bột hãm nước sôi uống thay trà hằng ngày.
Vỏ và hạt sầu riêng sấy khô, ngày dùng 16 - 20g sắc nước uống thay nước trà.
Lưu ý:
Khẩu phần ăn nên nhiều chất đạm, chất xơ, ít chất béo, thường xuyên thay đổi các món như bí đỏ (bí ngô), đậu phụ, cà rốt, ngó sen, nấm hương, mộc nhĩ, đậu đỏ, đậu đen và uống nước dừa cạn, nước chè xanh, nước lá lốt, lá vú sữa, cỏ nhọ nồi.
Thường xuyên tập đi bộ, chạy bộ, vẫy tay (dịch cân kinh), thở dưỡng sinh, yoga, ngồi thiền tùy sức khỏe, thích môn nào thì tập môn ấy vừa sức, tập xong thấy thoải mái, khỏe người là tốt. Nếu thấy mệt thì giảm bớt cường độ và thời gian tập.
Theo SKĐS