Y tế - Sức khỏe
Nặng nợ với nghề
Sự tận tụy của chị Lâm Thị Minh Liên (50 tuổi), kỹ thuật viên phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện PHCN Đà Nẵng đã góp phần giúp bệnh nhân lấy lại một phần chủ động của cơ thể, từ chỗ không thể nhấc nổi cánh tay hay bàn chân.
Mong ước lớn nhất của chị Lâm Thị Minh Liên là bệnh nhân mau khỏi, đi lại được. |
30 năm gắn bó với nghề, năm nay là lần đầu tiên chị Liên đón nhận danh hiệu cao quý: giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng”.
Nghề “thiên hạ trao”
Cái duyên đưa đẩy chị Liên đến với nghề y thật lạ, bởi đây không phải là nghề do chị lựa chọn mà là “nghề thiên hạ trao”, như lời chị nói. Hơn nữa, hồi ấy không phân ngành rạch ròi như bây giờ, cứ thi vào, rồi trường phân đâu học đấy. Chị là một trong những kỹ thuật viên PHCN khóa đầu tiên của chuyên ngành PHCN được đào tạo tại Đà Nẵng.
Ra trường, chị Liên được phân công công tác tại khoa PHCN Đông y, Viện Điều dưỡng cán bộ Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 8-1985 (nay là Bệnh viện PHCN Đà Nẵng).
Không giống nhiệm vụ của các y bác sĩ, công việc của các kỹ thuật viên PHCN đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp “tay chạm tay” với bệnh nhân ít nhất 45 phút mỗi ngày. Những bệnh nhân cần PHCN hầu hết là người lớn tuổi bị di chứng từ các bệnh như: tai biến mạch máu não, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm…, hoặc người bị tai nạn giao thông. Sự bất lực khi không thể co duỗi ngón tay, ngón chân, không nhấc nổi cánh tay… khiến các bệnh nhân bực dọc, cáu bẩn và bị sốc tâm lý.
Những ngày đầu mới vào nghề, không ít lần chị bị bệnh nhân, nhăn nhó, la mắng nhưng chị luôn tự nhủ: “Nếu mình rơi vào hoàn cảnh đó, chắc gì mình đủ bản lĩnh, nỗ lực tập luyện được như các cụ. Bệnh nhân cũng như người nhà mình lúc ốm đau, ngặt nghèo”.
Bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN hầu hết điều trị từ năm này qua tháng nọ, ít thì 3 tháng, thậm chí có người ở viện 10 năm. Nhìn chị Liên tập, ân cần trò chuyện với các bệnh nhân mới hiểu hết sự tận tâm ở người phụ nữ nhỏ bé này. Ngoài các bài tập cơ bản, chị còn thường xuyên tìm các trò chơi, bài tập từ sự vận động trong cuộc sống thường nhật để bệnh nhân không cảm thấy nhàm chán. Những sáng kiến của chị như: cải tiến thanh tập khớp vai, dụng cụ tập tạ, bàn tay quay... đã cải thiện đáng kể tình hình bệnh tật và nâng cao hiệu quả tập luyện của nhiều bệnh nhân trong thời gian qua.
“Ước một ngày dài hơn 24 tiếng để làm việc”
Mấy chục năm gắn bó với nghề, hiện tại, dù ở cương vị Trưởng khoa PHCN nhưng chị Liên vẫn tự nguyện trực tiếp điều trị. Với những ca bệnh nặng, không có người chăm sóc, chị luôn đứng ra đảm nhận. Bệnh nhân hằng ngày được chị chăm sóc chống loét do tỳ đè bằng việc thực hiện các kỹ thuật lăn trở, di chuyển trên giường, những bài tập thụ động.
Song song với các bài tập, chị còn chú trọng chuyện trò, giúp đỡ bệnh nhân về cách hoạt động trị liệu như: cách làm vệ sinh thân thể cho bệnh nhân nặng, liệt tứ chi, thay y phục, khăn trải giường, cách mặc quần áo cho người liệt, cách độc lập trong cuộc sống…
Mỗi ngày điều trị hơn 50 bệnh nhân, gia cảnh, con cháu của người này người kia ra sao, chị đều nắm rõ, thân tình như với người nhà của mình. Những buổi trò chuyện, sự động viên, khích lệ của chị như liều thuốc tinh thần vô giá giúp những bệnh nhân tưởng như không thể đi lại được nữa dần dần phục hồi.
Một trong số đó có thể kể đến trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tẩn (59 tuổi, quận Hải Châu) bị tai biến mạch máu não, sống tại viện suốt 10 năm nay. Ngày mới vào viện, ông Tẩn liệt tứ chi và tâm lý bị sốc nặng. Chị Liên cùng các đồng nghiệp thay phiên nhau tập luyện, nhẹ nhàng trò chuyện, động viên những chuyển biến dù rất nhỏ của ông.
Hiện tại, ông Tẩn không những đi lại được mà còn tự chăm lo mọi sinh hoạt cá nhân mà không cần người thân giúp. “Cô Liên tận tụy lắm. Khi nào cô cũng đôn đốc mấy anh em tập luyện đúng kỹ thuật, đúng giờ cho chúng tôi nên tôi mới được như vậy”, ông Tẩn nói.
Tất bật với công tác tại bệnh viện nhưng chưa khi nào chị Liên vắng mặt trong các chuyến đi hỗ trợ bệnh nhân và người khuyết tật tại cộng đồng, các xã Hòa Phú, Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Chị ngại nói về thành tích của mình bởi theo chị, “những việc làm ấy có là chi, tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có công lao”. Chị chỉ có một mong ước: “Bệnh nhân mình mau khỏi, đi lại được và ước một ngày dài hơn 24 tiếng để làm việc”.
Báo cáo thành tích đề nghị xét tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” của chị Liên không do chị viết như những y bác sĩ khác. Bảng báo cáo dài hai trang này do chính bác sĩ Thân Văn Chín, Giám đốc Bệnh viện biên soạn. “Cô Liên là người dày dạn kinh nghiệm trong ngành PHCN. Cách sống, nhân cách của cô còn khiến tôi nể phục và phải học hỏi”, ông Chín nói.
Bài và ảnh: BÌNH AN