Số ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay trên địa bàn Đà Nẵng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Em bé 10 tháng tuổi điều trị thủy đậu tại Bệnh viện Da liễu. |
Đặc biệt, bệnh nhân vào bệnh viện hầu hết ở giai đoạn nặng, vì trước đó chưa tiêm phòng vắc-xin cũng như mắc sai lầm trong việc chữa bệnh theo dân gian.
Cẩn trọng với nước tắm từ lá, thảo dược
Theo con vào điều trị tại Bệnh viện Da liễu hơn 10 ngày qua, chị Cẩm Vân (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, từ trước Tết đến nay, gia đình chị rối bời với bệnh thủy đậu. “Ba đứa nhỏ lần lượt mắc bệnh, đầu tiên là đứa cháu, tiếp đến là con lớn và giờ là con nhỏ. Tôi phải nghỉ việc liên tục trong thời điểm doanh nghiệp cần tăng ca nên bị cho thôi việc”, người mẹ là công nhân da giày tâm sự.
Theo chị Cẩm Vân, lúc con lớn 28 tháng tuổi mắc bệnh, chị cho bé tắm bằng nước chè, nước khổ qua theo lời khuyên từ một phòng khám tư nhân. Đến bé thứ hai 10 tháng tuổi, chị cũng cho tắm bằng nước chè, và khi vào bệnh viện thì được chẩn đoán trường hợp bệnh của cháu đã bị bội nhiễm.
Không riêng chị Vân, tại Bệnh viện Da liễu những ngày qua luôn có cảnh nhiều thành viên trong một gia đình cùng nằm viện vì thủy đậu. Bác sĩ Phạm Thị Kim Oanh, khoa Da, Bệnh viện Da liễu cho biết, nhiều bệnh nhân vào viện lúc bệnh đã diễn biến nặng nên rất khó điều trị và có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong tương lai.
Lý do bệnh nặng là người bệnh vào viện trễ và trước đó được chăm sóc sai phương pháp. “Nhiều người cho rằng tắm nước lá, thảo dược để da sạch hơn, mau lành, nhưng thực tế làm vậy sẽ bị bội nhiễm toàn thân. Bên cạnh đó, vẫn còn quan niệm sai lầm: “nốt thủy đậu xuất ra càng nhiều càng nhanh khỏi bệnh””.
Bệnh lây nhưng phải nằm ghép!
Khu điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Da liễu có 20 giường, nhưng do bệnh nhân tăng, có lúc 30 người cùng điều trị, nên việc nằm ghép là không tránh khỏi. Theo số liệu từ bệnh viện này, hai tháng đầu năm 2015, bệnh nhân thủy đậu ngoại trú là 228 người và nội trú là 93 người.
Để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, Bệnh viện Da liễu bố trí khu riêng biệt, đồng thời thực hiện điều trị liệu trình ngắn, giúp bệnh nhân mau khỏi và sớm xuất viện.
Người mắc bệnh chủ yếu đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong độ tuổi từ 2-10 đối với trẻ em, và người lớn ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, có 356 bệnh nhân người Đà Nẵng tính từ đầu năm đến ngày 9-3-2015. Đặc biệt, có nhiều trường hợp là phụ nữ đang mang thai từ 7-36 tuần tuổi.
Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Oanh, sức đề kháng thủy đậu của trẻ em tốt hơn người lớn, nên người lớn dù ít mắc bệnh này nhưng nếu mắc thì thường nặng hơn trẻ. Riêng với phụ nữ mang thai, bác sĩ Oanh cho rằng, việc điều trị rất khó khăn, bởi thuốc chữa bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ cần tiêm phòng vắc-xin như cách phòng bệnh tốt nhất. Trong trường hợp đã mắc bệnh, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị, vì thủy đậu là bệnh lành tính, phát hiện sớm sẽ chữa khỏi hoàn toàn và không để lại sẹo.
Bài và ảnh: THU HOA